Vướng mắc thương mại Australia-Trung Quốc: Phần nổi của tảng băng chìm

Trong khi mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đang ở mức cao kỷ lục, thì mối quan hệ chính trị giữa Australia và đối tác thương mại lớn nhất lại ở ngưỡng “chạm đáy.”
Vướng mắc thương mại Australia-Trung Quốc: Phần nổi của tảng băng chìm ảnh 1(Nguồn: globaltimes.cn)

Trong bài báo đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo Michael Smith nhận định rằng du lịch là mục tiêu mới nhất đang bị nhắm đến trong chiến dịch gây áp lực kinh tế không chính thức của Chính phủ Trung Quốc sau khi Australia kêu gọi sự ủng hộ quốc tế về một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Ngày 5/6, Bộ trưởng Văn hóa Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo du lịch, khuyến cáo người dân nước này không nên đến Australia do tình trạng phân biệt chủng tộc đang có xu hướng gia tăng.

Trong khi mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đang ở mức cao kỷ lục, thì mối quan hệ chính trị giữa Australia và đối tác thương mại lớn nhất lại ở ngưỡng “chạm đáy.”

Rất ít chính trị gia tại Australia và Trung Quốc tin tưởng quan hệ hai nước sẽ có một “tương lai tươi sáng.”

[Đầu tư của Trung Quốc vào Australia ở mức thấp nhất trong 10 năm qua]

Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đang thúc đẩy công khai một cuộc điều tra quốc tế về những gì đã xảy ra trong các tuần đầu của đại dịch COVID-19, được cho là bắt nguồn từ Vũ Hán, thành phố trung tâm của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã làm rõ với các đại diện của Australia tại Trung Quốc rằng họ tin Canberra hành động dựa trên sự ép buộc của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Truyền thông nhà nước Trung Quốc, thậm chí, cáo buộc Australia là “tay sai” hay “cảnh sát trưởng” của Washington trong khu vực.

Điều này tạo ra sự thất vọng lớn đối với Canberra, khi cố giải thích rằng Australia tự đưa ra các hành động, cũng như có nghĩa vụ đạo đức phải đi đến tận cùng của cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ, để đảm bảo điều đó sẽ không xảy ra lần nữa.

Các học giả Trung Quốc chuyên về mối quan hệ Trung Quốc-Australia tin rằng các quyết định của Trung Quốc bị thúc đẩy bởi nền chính trị trong nước và không có chuyện nước này sẽ thay đổi. Thậm chí nếu Canberra có thể thuyết phục Bắc Kinh rằng chính Australia đã tự quyết định các hành động của mình, thì điều đó lại càng trở nên tồi tệ hơn.

Một học giả ở thành phố Thượng Hải cho biết: “Australia sẽ được xem như là một kẻ cầm đầu (trong chiến dịch toàn cầu chống lại Trung Quốc). Xem xét vấn đề này từ quan điểm của Bắc Kinh thì rõ ràng là khi bạn bước ra và tiếp tục chỉ trích chính khách hàng lớn nhất của bạn, thì tại sao khách hàng đó lại nên tiếp tục mua hàng từ bạn?”

Sự tức giận của Bắc Kinh đối với lời kêu gọi về cuộc điều tra đại dịch COVID-19, là “giọt nước tràn ly” sau một bản danh sách kéo dài của những bất bình, bao gồm luật chống can thiệp nước ngoài từ thời chính phủ của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, lệnh cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei và những bình luận liên quan đến vấn đề Hong Kong và Tân Cương.

Vướng mắc thương mại Australia-Trung Quốc: Phần nổi của tảng băng chìm ảnh 2Biểu tượng Huawei tại văn phòng của tập đoàn này ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc coi Australia là nước tiên phong trong số các thành viên của Nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes) - liên minh tình báo bao gồm 5 quốc gia Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand - những nước cùng chia sẻ mối lo ngại của Australia về công nghệ và ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Trung Quốc đã phủ nhận việc sử dụng sức mạnh kinh tế để gửi cảnh cáo đến các nhà chính trị gia ở Canberra. Đại sứ Trung Quốc tại Australia, Thành Cạnh Nghiệp, vào tháng Tư đã nói với tạp chí Australian Financial Review rằng động thái kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch của Canberra có thể dẫn đến việc người Trung Quốc tẩy chay du lịch và du học đến Australia. Như vậy, người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể sẽ từ bỏ thịt bò và rượu vang của Xứ sở Chuột túi.

Chỉ vài tuần sau đó, Trung Quốc đã đe dọa áp thuế cao đối với mặt hàng lúa mạch Australia, mặc dù quyết định này được cho là kết quả của một cuộc điều tra chống bán phá giá kéo dài 18 tháng trước. Thịt bò từ bốn công ty chế biến lớn của Australia cũng bị cấm do vi phạm yêu cầu nhãn mác và giấy chứng nhận sức khỏe gia súc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, ngày 8/6, đưa ra cảnh báo về sự mất mát trong lĩnh vực du lịch “mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.”

Tất cả những ai đã theo dõi các cuộc tẩy chay đối thủ chính trị của Trung Quốc trong quá khứ - giống như khi nước này cấm nhập khẩu chuối từ Philippines và ngăn cản các nhóm du lịch theo tour đến Hàn Quốc - đều biết rằng đây là một phần “vở kịch” của Trung Quốc.

Các lệnh cấm đôi khi chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn và hạn chế, được thiết kế nhằm mục đích đưa ra cảnh báo thay vì thực sự tước đi khả năng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng Trung Quốc mong muốn.

Thực tế, đã có những báo cáo tại Australia về sự gia tăng nạn phân biệt chủng tộc và tấn công người gốc Á, kể từ khi đại dịch bùng phát. Một nhóm người Australia gốc Trung Quốc, vào tháng Tư, đã gửi bản kiến nghị bày tỏ lo ngại về sự leo thang bạo lực kỳ thị chủng tộc. Đây là một mối quan tâm thực sự.

Nhưng thời điểm đưa ra các cảnh báo đe dọa du lịch của Trung Quốc vào hiện tại không có ý nghĩa vì rõ ràng không ai có thể tới Australia lúc này do biên giới quốc gia đã bị đóng.

Cũng đã có báo cáo về sự gia tăng bạo lực liên quan tới nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào những người gốc châu Á ở Mỹ, một phần của châu Âu và tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ phát hành một cảnh báo du lịch chính thức đối với duy nhất Australia, khiến Canberra có một chút nghi ngờ rằng đó là một cảnh báo chính trị.

Thách thức hiện nay là làm thế nào để bảo vệ lợi ích thương mại của Australia với một quốc gia hùng mạnh, luôn gây áp lực lên các đối tác thương mại nhỏ hơn để thể hiện quan điểm riêng.

Lời khuyên của Cơ quan thương mại Austrade dành cho các công ty trong nước đang có hoạt động kết nối với Trung Quốc, đó là không cung cấp cho chính quyền một lý do để nhắm mục tiêu vào các sản phẩm của họ. Điều quan trọng nhất lúc này, theo Austrade, đó là chú ý tới việc tuân thủ các quy định, đặc biệt liên quan tới vấn đề nhãn mác.

Bất chấp các vướng mắc về chính trị, thương mại giữa Australia và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng, mặc dù chậm chạp. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Australia đã tăng ở mức hàng năm 1% trong tháng Tư vừa qua.

Tổng nhập khẩu cho bốn tháng đầu năm nay tại Trung Quốc đạt hơn 40 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu than tăng 77% giai đoạn từ tháng Một đến tháng Tư. Nhu cầu đối với quặng sắt của Australia cũng đang có xu hướng tăng lên, nhờ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc tăng vọt, nhưng Brazil - đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này, lại đang bị gián đoạn sản xuất.

Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng động thái của Trung Quốc đối với lĩnh vực du lịch, thịt bò và lúa mạch của Australia, mới chỉ là những phát súng “khai màn” cho một cuộc chiến thương mại kéo dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục