Vướng giải phóng mặt bằng, dự án gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành

Gần 10 năm qua, dự án đường tránh quốc lộ 32 đoạn qua thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội dài hơn 2km, tổng vốn đầu tư 151,706 tỷ đồng vẫn chưa thi công xong do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng
Dự án đường tránh quốc lộ 32 triển khai từ năm 2010 đến nay vẫn chưa thi công xong. (Ảnh: Minh Nghĩa/Vietnam+)

Đường tránh quốc lộ 32 (đoạn qua thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội) là tuyến đường đặc biệt quan trọng, giúp kết nối thành phố Hà Nội với đường cao tốc Hồ Chí Minh, trục không gian sông Tích và nhiều tỉnh thành phía Tây Bắc.

 

Tuy nhiên, từ năm 2010, kể từ dự án được khi phê duyệt, đến nay, tuyến đường này vẫn chưa thi công xong, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư công do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng ở một số vị trí.

Theo Quyết định được phê duyệt, dự án đường tránh quốc lộ 32 (đoạn đi qua thị trấn Tây Đằng) có chiều dài hơn 2km, diện tích sử dụng đất khoảng 7,26ha với tổng nguồn vốn 151,706 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 46,224 tỷ đồng, xây lắp là 56,037 tỷ đồng, liên quan đến 31 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và kết nối vùng được các cấp chính quyền huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng dự án vẫn bị vướng mắc do 2 hộ dân cố tình chống đối không bàn giao mặt bằng.

Theo ông Trần Quang Khuyên, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì, từ tháng 12/2017, các cấp chính quyền, đoàn thể của thị trấn và huyện đã kiên trì vận động, tuyên truyền, đối thoại nhiều lần nhưng 2 hộ dân này vẫn không chấp hành các quy định của pháp luật trong vấn đề giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Hữu Hợp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Tây Đằng, diện tích của 2 hộ trên thuộc diện đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64, đã thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2013.

Đáng chú ý, ngày 5/7/2018, tại đợt chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đợt 7, 1 trong số 2 hộ gia đình trên đã tự nguyện đến nhận tiền và cam kết bàn giao mặt bằng trước ngày 10/7/2018.

[Rác nội thành Hà Nội được ‘giải cứu’ khi người dân dỡ lán, bỏ chặn xe]

Tuy nhiên, đến ngày 10/7/2018, khi các đơn vị chức năng của huyện tiến hành bàn giao mặt bằng tại thực địa để tổ chức thi công thì hộ này lại không đồng ý bàn giao mặt bằng. Sau đó, các cấp chính quyền huyện Ba Vì liên tiếp ra các văn bản yêu cầu hộ gia đình chậm nhất ngày 25/7/2018 phải thu dọn bàn giao mặt bằng nhưng đến nay hộ này vẫn không hợp tác.

Đối với hộ còn lại cũng gây khó khăn cho việc triển khai dự án suốt thời gian qua được xác định là chiếm trái phép 296,8 mét vuông đất nông nghiệp (dựng lều, cằm cờ, rào ngọn tre) trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng của hộ gia đình khác đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng từ trước đó.

Do vậy, để đảm bảo tiến độ thi công dự án, ngày 10/1/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã có Quyết định số 88/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do có hành vi vi phạm hành chính trong quản lý sử dụng đất dự án, đường tránh quốc lộ 32 qua thị trấn Tây Đằng.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường sáng 17/1, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân đã được huyện thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình thủ tục do Nhà nước quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cưỡng chế và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Cũng theo ông Trần Quang Khuyên, sau khi thu hồi đất của các hộ dân kể trên, phía Ủy ban Nhân dân huyện sẽ bàn giao và hỗ trợ đơn vị thi công khẩn trương triển khai xây dựng dự án.

Thực tế cho thấy, trong quá trình hoàn thiện, phát triển của mỗi địa phương, Ba Vì cũng như một số quận huyện khác của thành phố Hà Nội sẽ không tránh khỏi việc nhiều hộ dân phải hy sinh lợi ích dành đất canh tác, đất ở cho các dự án, công trình phát triển kinh tế-xã hội. Điều này là tất yếu của sự phát triển.

Một số chuyên gia nhận định, giải phóng mặt bằng luôn là việc làm khó, phức tạp và chính là nút thắt "bóp nghẹt" tiến độ xây dựng dự án tại một số địa phương. Đặc biệt, đối với những dự án có sử dụng vốn vay hay tài trợ của nước ngoài nếu chậm giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến trình giải ngân, uy tín của Nhà nước.

Do vậy, cùng với việc yêu cầu các cấp chính quyền, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục