Tại buổi báo cáo tiến độ thực hiện dự án “Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc” (KVIP), tổ chức ngày 8/8, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết đầu tháng 6/2015, dự án nói trên sẽ chính thức hoạt động tại địa phương.
Đến nay, dự án đã hoàn thành 32% khối lượng công trình. Từ nay đến hết quý 1/2015, phía Hàn Quốc sẽ tập huấn, đào tạo nghiệp vụ vận hành dự án cho đội ngũ nhân sự Việt Nam; thành lập hội đồng thành viên vườn ươm gồm sáu thành viên người Hàn Quốc, sáu thành viên người Việt Nam; thành lập Trung tâm Phát triển Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc có chức năng quản lý, vận hành vườn ươm; mua sắm trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường phục vụ công tác nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao thuộc lĩnh vực nông thủy sản và cơ khí chế tạo.
Tại buổi báo cáo, ông Kim Hee Sup, Giám đốc điều hành dự án KVIP cho biết mục tiêu của dự án KVIP là xây dựng các cụm công nghiệp thuộc ba ngành gồm gạo, thủy sản, cơ khí nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về giá gạo của Đồng bằng sông Cửu Long trên thị trường quốc tế; thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến gạo (theo chuẩn quốc tế) trong vùng; phát triển, mở rộng xuất khẩu các loại thủy sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế và kỹ thuật nuôi, sản xuất thức ăn thủy sản, chế biến thủy sản hiện đại.
Bên cạnh đó, dự án KVIP còn giúp phát triển ngành cơ khí nông nghiệp với các sản phẩm “made in Viet Nam” có tỷ lệ nội địa hóa 95% trong 10 năm tới; giúp xây dựng cơ chế phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng hoạt động hiệu quả trong phạm vi quốc gia, quốc tế.
Đối với ngành gạo, dự án KVIP sẽ cung cấp thiết bị kỹ thuật cao để chế biến gạo nhằm gia tăng lượng gạo đạt chuẩn quốc tế, mở rộng diện tích canh tác lúa theo chuẩn quốc tế trên cơ sở giảm chi phí, giá thành sản xuất.
Đối với ngành thủy sản, dự án KVIP sẽ giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi giống theo hướng gia tăng mạnh diện tích nuôi tôm cá có giá trị cao, chuẩn hóa quy trình nuôi, quy trình chế biến trên cơ sở cải thiện chất lượng nguồn nước, nuôi bằng thức ăn thân thiện môi trường nhằm nâng cao sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam và mở rộng trên thị trường quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam trở thành “Số 1 thế giới.”
Theo Sở Công Thương Cần Thơ, dự án KVIP có tổng vốn đầu tư trên 21 triệu USD, trong đó Chính phủ Hàn Quốc tài trợ 17,7 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3,4 triệu USD.
Theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, phía Hàn Quốc chịu trách nhiệm xây dựng toàn bộ công trình gồm nhà làm việc bốn tầng, ba xưởng sản xuất thử nghiệm rộng 13.000m2 trên thửa đất có diện tích 4,5ha tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn (Cần Thơ) cũng như mua sắm trang thiết bị cho vườn ươm đồng thời hỗ trợ phía Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành dự án.
Phía Việt Nam chụ trách nhiệm hỗ trợ cho phía Hàn Quốc thủ tục pháp lý và hành chính, bảo đảm dự án thực hiện đúng tiến độ, cung cấp đủ nhân lực để phía Hàn Quốc đào tạo nghiệp vụ vận hành dự án sau khi dự án được chuyển giao cho địa phương./.