Vườn thú Hà Nội: Voi bị xiềng xích được chăm sóc 'đúng quy trình'

Bất bình trước cảnh voi bị xiềng xích, giam nhốt tại Vườn thú Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng sở thú này cần thả voi về tự nhiên. Tuy nhiên, phía sở thú cho rằng việc thả voi là câu chuyện rất dài.
Voi tại Vườn thú Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh/Vietnam+)

Trong những ngày gần đây, một trang facebook của nhóm bảo vệ động vật tại Việt Nam có tên “Vietnam Animal Eyes” đã đăng tải hàng loạt bài viết kêu gọi 100.000 chữ ký ủng hộ việc trả tự do cho 2 cá thể voi “khốn khổ” hiện đang bị xích nhốt tại Vườn thú Hà Nội.

Những bài viết hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận với 34.000 lượt cảm xúc, hơn 6.000 bình luận và 50.000 chữ ký.

Khách thăm quan thương xót

Trước thông tin đáng chú ý trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có mặt tại Vườn thú Hà Nội tìm hiểu thực tế. Theo quan sát, tại vườn thú này có 2 cá thể voi bị xích cố định ở chân và chỉ di chuyển được trong một khu vực rất nhỏ hẹp.

Thời điểm ghi nhận vào ngày 9/8, tại Vườn thú Hà Nội có rất nhiều du khách tới thăm quan. Chứng kiến 2 chú voi sống trong xiềng xích, gần như bất động vì không thể di chuyển, một số du khách đã bày tỏ sự thương cảm và mong voi có không gian sống tốt hơn.

[Bảo vệ động vật hoang dã: Cần ‘cái bắt tay’ trách nhiệm từ cộng đồng]

“Nay tôi mới có dịp đưa 2 con đến Vườn thú Hà Nội để tham quan. Tôi thấy vui vì các con rất thích thú, tuy nhiên khi chứng kiến voi bị xích như vậy bản thân tôi thấy rất tội nghiệp. Tôi cũng không hiểu là tại sao xung quanh khu vực nuôi nhốt có rất nhiều hàng rào điện bao quanh để ngăn rồi mà vẫn phải xích chân voi bằng dây xích ngắn như vậy,” chị Nông Thị Mai Hồng (quê ở Lạng Sơn) chia sẻ.

Khách xót thương trước cảnh voi bị xiềng xích tại Vườn thú Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh/Vietnam+)

Đồng cảm với chị Hồng, anh Mai Phương Nam (quê ở tỉnh Thái Bình) cho hay dựa trên những hiểu biết qua tìm hiểu tài liệu, sách báo, cũng như trải nghiệm khi từng đi một vài sở thú ở Việt Nam, anh thấy việc động vật sống trong không gian chật hẹp suốt thời gian dài rất dễ khiến chúng bị stress và trở nên hung dữ.

Dẫn ví dụ như tại Sở thú Đầm Sen tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nam cho hay ở sở thú này cơ sở vật chất tốt hơn và rộng rãi hơn nêncó việc voi chăm sóc ở trong đó phần tốt hơn trong khi voi ở Vườn thú Hà Nội thì trông như đang "khóc" vậy.

“Thậm chí, voi ở vườn thú Hà Nội còn phải vệ sinh ngay tại khu vực ăn cỏ. Không gian sinh hoạt của voi cũng xuất hiện nhiều vết nứt, hồ nước bám rêu và trôi nổi rác do không được vệ sinh thường xuyên. Với hiện trạng này, tôi thấy rất thương cho voi,” anh Nam chia sẻ.

Cùng chứng kiến cảnh voi vị xiềng xích trong không gian chật hẹp, chị Đỗ Quỳnh Anh (quê ở tỉnh Hải Dương) cũng không khỏi xót xa và nêu quan điểm Vườn thú Hà Nội nên có phương án đưa voi về với tự nhiên để chúng có thể sống thoải mái hơn.

Voi bị xích chân tại Vườn thú Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh/Vietnam+)

“Còn nếu vẫn muốn để voi trong sở thú để các em nhỏ có thể tham quan thì nên mở rộng khu sinh hoạt của voi hơn sao cho giống với môi trường hoang dã nhất có thể. Và đặc biệt là cần tháo bỏ dây xích khỏi chân voi,” chị Quỳnh Anh nói.

Việc thả voi là câu chuyện rất dài 

Trao đổi với phóng viên ngày 12/8, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vườn thú Hà Nội - ông Nguyễn Công Nghiệp cho hay đơn vị này tiếp nhận 2 cá thể voi. Trong đó, một cá thể voi tiếp nhận từ Quân khu 9 vào năm 2010; cá thể voi còn lại tiếp nhận từ người dân Tây Nguyên vào năm 2014.

Khi tiếp nhận, tình trạng sức khỏe của 2 cá thể voi trên rất gầy, một cá thể rất yếu. Sau quá trình chăm sóc, huấn luyện tích cực thì các cá thể voi có sức khỏe rất tốt và ổn định. Hiện tại công ty đang thực hiện quá trình chăm sóc cũng như công tác huấn luyện, công tác đảm bảo sức khỏe cho voi theo đúng quy trình, quy định.

“Sức khỏe của 2 cá thể voi đang rất tốt, phát triển bình thường,” ông Nghiệp nói.

Về ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, ông Nghiệp cho rằng những thông tin được phát tán trên mạng hiện nay cũng không phản ánh hoàn toàn chính xác vấn đề.

“Đúng là sở thú có xích voi nhưng không chỉ xích bằng dây ngắn mà sở thú còn xích dây xích rất là dài, độ dài tới 10m. Bên cạnh đó, việc xích voi là để đảm bảo an toàn vì 2 cá thể này khác đàn và chúng thường hay xung đột. Khi có hiện tượng xung đột thì chúng tôi triển khai xích lại để đảm bảo an toàn không chỉ cho voi, mà còn đảm bảo an toàn cho người chăm sóc, quản lý,” ông Nghiệp giải thích.

Theo lãnh đạo Vườn thú Hà Nội, việc thả voi về tự nhiên là cả một câu chuyện rất dài. (Ảnh: Thùy Linh/Vietnam+)

Ông Nghiệp cũng nhấn mạnh Vườn thú Hà Nội tiếp nhận 2 cá thể voi trên cũng là để bảo tồn và chăm sóc, phục vụ cho nhân dân đến tham quan, học tập, vui chơi giải trí. Tất cả các điều kiện chăm sóc về chuồng trại, sân bãi, huấn luyện chăm sóc sức khỏe đều đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình, quy định đã ban hành.

“Vườn thú Hà Nội là cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo tồn các động vật hoang dã, quý hiếm. Vậy nên ở Vườn thú Hà Nội, tất cả các điều kiện chăm sóc cho voi là tốt nhất. Việc thả voi về tự nhiên là cả một câu chuyện rất dài và hiện tại voi cũng đang quen với môi trường trong sở thú nên việc đưa voi về rừng không hẳn đã là một điều tốt,” ông Nghiệp nói.

Về chu trình chăm sóc voi, ông Nghiệp cho biết mỗi buổi sáng, các nhân viên của vườn sẽ tiến hành vệ sinh sân bãi; khi voi ra sân bãi thì tiếp tục vệ sinh nền chuồng. Tiếp đó, voi sẽ được vận động nhẹ nhàng và ăn 3 bữa. Buổi sáng thức ăn là cỏ. Buổi chiều (vào đầu giờ chiều) voi sẽ ăn thức ăn tinh gồm có củ quả, cơm, mía.

“Sau đó, voi sẽ được nhân viên huấn luyện với các động tác như ngồi, đứng, quỳ, rẽ phải, rẽ trái, tiến lên lùi xuống,... Tiếp đó, voi sẽ được đưa đi tắm. Chúng tôi cũng có cho voi vận động bằng những hoạt động như đưa các khúc gỗ vào để cho voi vận động, bê vác, di chuyển. Sau 18 giờ, voi sẽ được cho ăn cỏ và tiếp tục bàn giao cho quản lý để tiếp tục chăm sóc sức khỏe,” ông Nghiệp thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục