Rùa biển (Chelonioidea) là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và đang được sự quan tâm bảo vệ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được ghi nhận là nơi có môi trường sinh sống và đang thực hiện tốt công tác bảo vệ rùa biển.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, 9 tháng của năm 2022, Hạt Kiểm lâm Vườn cứu hộ, di dời về các hồ ấp nhân tạo 2.510 tổ rùa biển, thực hiện ấp nở thành công 1.586 tổ, thả về biển 122.867 cá thể rùa con; bấm thẻ theo dõi 402 cá thể rùa mẹ lên các bãi cát thuộc vùng biển Côn Đảo để làm tổ, đẻ trứng.
Hoạt động bảo vệ rùa biển là một thành công nổi bật của Vườn Quốc gia Côn Đảo, đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo tồn loài sinh vật biển nguy cấp, quý hiếm trên thế giới. Ngoài ra, các điểm bảo tồn rùa biển đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, qua đó góp phần kích cầu, phát triển kinh tế địa phương.
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết trung bình mỗi năm, trên 450 rùa mẹ lên các bãi cát thuộc Vườn quốc gia làm tổ, đẻ trứng. Vào những tháng cao điểm mùa rùa đẻ trứng, một số bãi biển lớn như Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, mỗi đêm có khoảng 30-40 rùa mẹ lên làm tổ, đẻ trứng, với khoảng 150.000 rùa con được cứu hộ, nở và thả về biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 18 bãi cát có rùa mẹ lên đẻ trứng, thời điểm từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, mùa đẻ trứng tập trung từ tháng 6 đến tháng 10.
Ông Lê Hồng Sơn thông tin thêm hiện nay đơn vị triển khai các chương trình bảo tồn rùa biển như nghiên cứu đặc tính sinh thái học của rùa biển; bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; xây dựng trại giống… Bên cạnh đó, nhiều chương trình hành động đã được triển khai và duy trì như đeo thẻ, đeo máy định vị vệ tinh, đo đạc kích thước rùa biển; tuần tra, kiểm soát, san lấp vệ sinh bãi đẻ, di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, tạo trạm ấp trứng an toàn, kiểm tra và thả rùa con về biển.
[Trắng đêm “đỡ đẻ” cho rùa biển tại Côn Đảo]
Ngoài ra, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo còn phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Resort triển khai Phương án Phục hồi và Bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại bãi Đất Dốc, huyện Côn Đảo. Trong 9 tháng của năm 2022, hai bên phối hợp di dời về hồ ấp trứng rùa biển bãi Đất Dốc 73 tổ với tổng số 5.686 trứng, thả về đại dương 3.717 cá thể rùa con nở từ 54 tổ.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết mỗi năm đơn vị đón trên 300 tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh, thành phố cùng nhiều nhóm chuyên gia, khách quốc tế tham gia vào công tác bảo tồn rùa biển. Hiện, Ban Quản lý Vườn tổ chức cho du khách đến tham quan, trải nghiệm xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển và nghe thuyết minh viên kể chuyện về rùa biển, tuyên truyền cộng đồng chung tay bảo vệ, bảo tồn và phát triển rùa biển.
Anh Phạm Trung Kiên, Kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết mỗi đêm, trước và sau khi thủy triều lớn, các anh thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các bãi cát, kịp thời phát hiện rùa mẹ lên bãi đẻ trứng, sau đó tiến hành di dời, ghi nhận thông tin số lượng rùa lên bãi đẻ. Tất cả rùa mẹ lên bãi, sau khi đẻ trứng đều được đeo thẻ Inconel 2 bên bơi trước, đo kích thước chiều dài, rộng mai, số lượng cá thể trong quần thể.
Khi rùa mẹ đẻ trứng xong, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các tình nguyện viên lấy trứng mang vào hồ ấp, thời gian di dời trứng không quá 6 giờ sau khi rùa mẹ đẻ xong. Sau khi thực hiện xong tiến hành lấp cát một cách nhẹ nhàng sao cho tạo thành một mô đất trên miệng tổ cao 10cm, số tổ rùa mẹ đẻ ở trạm bảo tồn nào di dời về hồ ấp trứng tại trạm bảo tồn đó. Các tổ trứng này sẽ được đánh dấu và ghi đầy đủ thông tin về thời gian rùa đẻ, số lượng trứng, vị trí và số thứ tự tổ, thường xuyên kiểm tra và bảo vệ tổ trứng.
Vào các tháng mùa khô (tháng 1, 2, 3, 4, 11, 12), các hồ ấp trứng được chú ý theo dõi độ ẩm và tưới nước giữ ẩm thích hợp. Sau khi rùa nở, lực lượng chức năng thu đếm số lượng và thả ngay về biển khi triều cao; đồng thời kiểm tra, ghi nhận thông tin về tỷ lệ nở, số trứng thối, trứng không phôi; sau đó mang vỏ đi xử lý, đảm bảo hồ ấp trứng luôn sạch sẽ.
Để bảo vệ sinh cảnh các bãi đẻ của rùa biển, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ban hành Quy định Bảo vệ sinh cảnh, bãi đẻ của rùa biển gắn với hoạt động bảo vệ sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo. Trung bình mỗi tháng, đơn vị phục vụ khoảng 700 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm xem rùa đẻ trứng./.