Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng Tám vừa qua, trong nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào thị trường bất động sản Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn bám trụ ở vị trí thứ 2 về thu hút vốn FDI với hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn giảm tới 47,2% so với cùng kỳ.
Trước đó, 7 tháng của năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường bất động sản Việt Nam 1,61 tỷ USD và lĩnh vực kinh doanh này đứng ở vị trí xếp hạng thứ 3 trong thu hút vốn FDI.
Như vậy, sau 8 tháng, dù thứ bậc được cải thiện, vươn lên vị trí thứ 2 nhưng thu hút vốn FDI vào bất động sản vẫn giảm, chưa như kỳ vọng.
Khảo sát của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư ngoại đang duy trì sự quan tâm tới các dự án bất động sản trong nước. Mục tiêu hướng đến của nhà đầu tư ngoại là những dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Thực tế đã ghi nhận một số vụ mua bán-sáp nhập (M&A) đến từ một số doanh nghiệp ngoại tên tuổi như Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail...
Hiện phương thức mua bán, chuyển nhượng chủ yếu vẫn là nhận chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp dự án. Đáng chú ý, có một số thương vụ đã tách riêng doanh nghiệp dự án để đối tác ngoại mua đứt. Đây cũng chính là phương thức được đối tác ngoại ưa thích và lựa chọn.
Các chuyên gia đánh giá, trong lĩnh vực bất động sản, phân khúc công nghiệp vẫn là “điểm sáng” với dòng vốn FDI ổn định. Đây cũng chính là phân khúc tạo được “nam châm” trong thu hút đầu tư.
Với mục tiêu đón sóng FDI đổ vào Việt Nam, nhu cầu thuê đất công nghiệp vẫn tiếp tục sôi động trong năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản. Nhất là trong bối cảnh các thủ phủ công nghiệp cũ dần lấp đầy khiến giá thuê đi lên và nguồn cung mới, có quy mô diện tích lớn cũng hạn chế.
Điển hình là sự kiện Tập đoàn Sumitomo đã công bố kế hoạch phát triển khu công nghiệp trị giá 400 triệu USD tại Thanh Hóa từ đầu tháng Bảy vừa qua. Cùng đó, Foxconn cũng được chấp thuận đầu tư 246 triệu USD vào các nhà máy sản xuất mới tại Quảng Ninh. Đặc biệt, việc phê duyệt đầu tư của Foxconn được xử lý trực tuyến chỉ trong 12 giờ, nhanh đột biến so với quy trình 14 ngày trước đây.
[Bất động sản công nghiệp là điểm sáng trong thu hút vốn FDI]
Bình luận về sự kiện này, ông Tyler Nguyễn, Giám đốc Khối khách hàng Định chế của Maybank Investment Bank, nhận xét việc phê duyệt trên cho thấy Chính phủ sẵn sàng triển khai công nghệ tiên tiến để loại bỏ các thủ tục pháp lý rườm rà. Triển vọng FDI của Việt Nam sẽ sáng sủa không chỉ trong những tháng cuối năm nay mà còn trong năm 2024 và xa hơn nữa.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, để tiếp tục duy trì lợi thế thu hút đầu tư, các tỉnh phía Bắc đã gấp rút hoàn thiện và công bố quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh nhằm dọn tổ đón “đại bàng.” Các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh tiến độ pháp lý và quá trình xây dựng. Nhờ đó, nguồn cung đất khu công nghiệp giai đoạn 2023-2026 sẽ tăng đáng kể, đạt gần 5.000ha
Tuy nhiên, đánh giá chung cho toàn thị trường, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều thử thách cho nhà đầu tư trong việc tìm kiếm những cơ hội chất lượng tốt. Thực tế mặc dù có nhiều tài sản đang thoái vốn, nhưng danh mục dự án để khối ngoại có thể "xuống tiền” lại khá hạn chế, nguyên nhân là do tính hợp pháp.
Bởi vậy, với sự trợ lực của chính sách và nhập cuộc của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, những vướng mắc của hàng loạt dự án bất động sản sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và gia tăng sức hút của lĩnh vực này đối với nhà đầu tư ngoại./.