Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, tỉnh Kiên Giang chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác đánh bắt theo hướng vươn khơi khai thác xa bờ, hạn chế đánh bắt ven bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, tỉnh thực hiện chính sách khuyến khích giảm cường lực khai thác thủy sản để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác, hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản.
Tỉnh chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ; khuyến khích phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, nghiêm cấm các hình thức khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Tỉnh thực hiện tốt khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, chống khai thác IUU.
Tỉnh phát triển đoàn tàu cá đến năm 2030 với tổng công suất các tàu là 2,79 triệu CV, sản lượng khai thác khoảng 430.000 tấn; trong đó, khai thác đánh bắt xa bờ chiếm 58% trở lên.
Theo đó, tỉnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch dưới 10%, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, điều kiện sống và làm việc của thuyền viên trên tàu phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
[Thích ứng an toàn, linh hoạt để khai thác thủy sản trở lại bình thường]
Mặt khác, tỉnh hiện đại hóa quản lý nghề cá trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro, thiên tai trên ngư trường. Qua đó, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, tham gia hiệu quả hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, tỉnh tổ chức khai thác thủy sản theo hình thức đồng quản lý kết hợp bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã khai thác thủy sản; liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp khai thác thủy sản và ngư dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các tuyến đảo, vùng biển xa bờ, xây dựng trạm cung cấp dịch vụ, hậu cần, sơ chế, bảo quản, trung chuyển sản phẩm trên các đảo...
Ngoài ra, tỉnh tổ chức tốt thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai kịp thời cho ngư dân trên biển, bảo đảm an toàn đi biển, tổ chức ứng cứu kịp thời khi có rủi ro. Tỉnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, nguồn lợi, giám sát hoạt động tàu cá.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đối với bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên biển, tỉnh tăng cường thực hiện đồng quản lý, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa.
Tỉnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng, có giá trị khoa học, kinh tế cao. Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó xử lý nghiêm các vi phạm khi sử dụng các biện pháp khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản như kích điện, chất nổ, chất độc...
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương có biển đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân trong bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản trên biển. Tích cực bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên nội địa, vùng ven biển và vùng biển.
Đặc biệt, tỉnh quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt các bãi giống thủy sản tự nhiên ven biển các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, tổ chức khai thác giống các loài nhuyễn thể phù hợp theo mùa vụ cụ thể để cung ứng giống cho nuôi trồng thủy sản ven biển.
Để vươn khơi khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả, ngành chức năng tỉnh tập trung đào tạo nghề biển cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành khai thác đánh bắt thủy sản địa phương, ưu tiên đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Tỉnh hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá và thuyền viên.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách hiện có kết hợp nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách mới, nhằm huy động mọi nguồn lực thành phần kinh tế đầu tư phát triển khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường theo hướng xa bờ.
Tỉnh thực hiện các chính sách đầu phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên và hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác, nhất là khuyến cáo, vận động những hộ dân có phương tiện công suất nhỏ đánh bắt ven bờ chuyển đổi nghề bền vững, hiệu quả hơn.
Tỉnh khuyến nghị các tổ chức tín dụng bố trí vốn vay và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển khai thác đánh bắt xa bờ.../.