Vùng Viễn Đông đóng vai trò quan trọng trong quan hệ của Nga với thế giới

Tổng thống Putin khẳng định các hoạt động thương mại ngày càng chuyển hướng sang châu Á và vùng Viễn Đông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ của Nga với châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ IX (EEF 2024). (Ảnh: TTXVN phát)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, ngày 5/9 đã diễn ra phiên toàn thể - phiên được chú ý nhiều nhất của Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ IX (EEF 2024).

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có những phát biểu quan trọng liên quan đến kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông của Nga để tăng cường kết nối, hợp tác với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong lời mở đầu của mình, Tổng thống Putin chào mừng các vị khách và những người tham dự diễn đàn.

Ông khẳng định các hoạt động thương mại và kinh doanh ngày càng chuyển hướng sang châu Á và vùng Viễn Đông của Liên bang Nga đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, kinh doanh của Nga với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông đã trở thành địa điểm cho việc thiết lập các quan hệ kinh doanh bền vững, thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Tổng thống Putin khẳng định sẽ cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư tại Liên bang Nga cũng như ở Viễn Đông, hiện đại hóa tuyến đường sắt chính Baikal-Amur (BAM) hiện nay lên đường đôi trên toàn tuyến với qui mô lớn hơn thời Liên Xô trước kia.

Điều này sẽ nâng cao năng lực và hiệu quả của hành lang giao thông và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực và nước Nga nói chung, đồng thời hành lang giao thông đường bộ từ St. Petersburg đến Vladivostok là huyết mạch giao thông mới đang được phát triển theo từng giai đoạn.

Ông Putin thông báo Nga sẽ tiếp tục tăng lưu lượng hàng hóa trên Tuyến đường Biển Bắc (đi qua Bắc Băng Dương). Với mục tiêu như vậy, Nga sẽ đẩy mạnh đóng các tàu phá băng, xây dựng hệ thống vệ tinh để tăng cường khai thác tuyến đường này.

Cảng hàng hóa Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Putin, so với thời Liên Xô trước đây, khối lượng vận chuyển hàng hóa dọc tuyến đường Biển Bắc đã tăng gấp 5 lần. Năm 2014, chỉ 4 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường biển này, đến năm 2023 tổng khối lượng vận chuyển là hơn 36 triệu tấn.

Ông cho biết thêm công suất của các cảng trên Tuyến đường Biển Bắc đã vượt 40 triệu tấn.

Tổng thống Nga cũng cho biết vùng Viễn Đông nước này có tiềm năng khai thác titan, lithium, niobi, kim loại đất hiếm và các tài nguyên khác cần thiết cho nền kinh tế trong tương lai.

Và Nga phải đảm bảo tiềm năng tài nguyên và chủ quyền của mình để cung cấp liên tục cho nền kinh tế nhiên liệu và nguyên liệu thô với giá phải chăng, đồng thời tạo cơ sở sản xuất các nguồn nguyên liệu và năng lượng mới.

Ông Putin nhấn mạnh vì những mục đích này, điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả hơn các công nghệ trong nước và sự phát triển khoa học trong lĩnh vực quản lý sinh thái và môi trường.

Ông cũng cho biết hoạt động khai thác ở Viễn Đông, chiếm 100% sản lượng khai thác vonfram, thiếc, fluorit, quặng boron, 80% kim cương và uranium, hơn 70% bạc và 60% vàng và nhu cầu về hóa thạch ngày càng tăng.

Ông cũng thông báo xây dựng các cơ sở đại học và nghiên cứu mới để phát triển khoa học và đào tạo của khu vực, thúc đẩy các dự án an sinh xã hội nhằm chú trọng vào việc phát triển và quan tâm tới con người.

Tổng thống Putin khẳng định vùng Viễn Đông của Nga luôn mở cửa với các đối tác nước ngoài quan tâm hợp tác phát triển với khu vực này.

Về đối ngoại, Tổng thống Putin cho biết Nga không khởi xướng quá trình từ bỏ đồng USD trong thanh toán quốc tế mà buộc phải thực hiện các biện pháp đó bởi hoàn cảnh.

Ông chỉ ra rằng sức mạnh kinh tế của một nước được phản ánh qua đồng nội tệ và nhấn mạnh Nga và các nước khác trong nhóm BRICS đang tích cực sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán.

Theo ông, hiện khoảng 65% giao dịch thanh toán của Nga với các đối tác BRICS được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia.

Ông Putin cũng cho biết Nga và Ukraine đã tiến rất gần đến việc đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 2022 ở Istanbul, hầu hết các điều khoản đều được hai bên thống nhất.

Tuy nhiên phương Tây và Kiev đã từ bỏ thỏa thuận này nhằm đạt được mục tiêu đánh bại Nga về mặt chiến lược, nhưng những nỗ lực của họ không mang lại kết quả như mong đợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục