Vùng Trung du-miền núi phía Bắc: Nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế

Một trong các trọng tâm là khuyến khích nông nghiệp truyền thống, đặc sản, hữu cơ có giá trị cao ở những nơi quỹ đất hạn chế và đặc trưng văn hóa nổi bật để kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 1/12. (Ảnh: Vietnam+)
Hội nghị điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chủ đề Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 1/12. (Ảnh: Vietnam+)

Nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cần được phát triển theo hướng bền vững. Sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng hàng hóa kết hợp với công nghiệp chế biến. Đây là một trong những nội dung chính được nêu tại Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị điều phối vùng lần thứ hai về Quy hoạch, ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhấn mạnh Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch sẽ giúp “mở đường,” tạo ra các động lực, tiềm năng, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, là “phên dậu” - cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với nguồn năng lượng, nguồn nước và môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng; cơ hội phát triển là sự đa dạng sắc tộc. Đây là một lợi thế trong kinh tế sáng tạo, xu hướng phát triển thuận thiên, chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ các-bon; chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; khả năng thu hút đầu tư vào ngành mới do nâng cấp quan hệ đối tác; các xu hướng du lịch quốc nội và quốc tế cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương để thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.

403394319-6665894826854037-6275868661092619737-n-4001.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc. (Ảnh: Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Quy hoạch vùng đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới với 6 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, Quy hoạch đề xuất phân vùng thành 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế (4 hành lang chính và 2 hành lang phụ), 3 vành đai và hệ thống các cực tăng trưởng, các trung tâm gắn với các tiểu vùng và vùng.

Thứ hai, chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng. Hình thành các hành lang phát triển sinh thái liên tỉnh, liên vùng thông qua kết nối những khu vực sinh thái trọng điểm và rừng phòng hộ bằng những hành lang xanh, cải thiện dịch vụ rừng và bảo vệ đa dạng sinh học.

Thứ ba, chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực đi liền với bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa bản địa. Đây là một trong ba khâu đột phá bên cạnh hạ tầng, kinh tế và môi trường. Chất lượng giáo dục và mức độ ứng dụng khoa học, công nghệ của vùng cần được cải thiện để không thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, phát triển các ngành kinh tế dịch vụ và thủ công nghiệp cần gắn liền với phát huy và bảo tồn đặc trưng. Phát triển đô thị gắn với bản sắc và tiềm năng riêng của địa phương.

Thứ tư, nông nghiệp xác định là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn. Khuyến khích sản xuất nông nghiệp tập trung và theo hướng hàng hóa. Ưu tiên khuyến khích nông nghiệp truyền thống, đặc sản, hữu cơ có giá trị cao ở những khu vực có quỹ đất hạn chế và đặc trưng văn hóa nổi bật, để có thể kết hợp với du lịch trải nghiệm và hướng đến thị trường tiêu dùng cao cấp đồng thời đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và bảo vệ hệ sinh thái địa phương.

Thứ năm, tăng cường tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương, nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực động lực là vành đai công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ. Phát triển các khu cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, trung tâm logistics của vùng và cả nước với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển du lịch đặc trưng gắn với sinh thái, văn hóa, lịch sử và sự liên kết giữa các tiểu vùng trên cơ sở liên kết về tài nguyên du lịch nổi bật và hệ thống giao thông kết nối.

370059544-1102788187742996-5009932615893345522-n-7457.jpg
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ sáu, kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 14 địa phương trong vùng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành trung ương. Ngày 18/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến các cơ quan liên quan và có Tờ trình số 9194/TTr-BKHĐT trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xin tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước, của vùng và các địa phương trong vùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục