Vùng Sừng châu Phi hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ

Cuộc sống của 15 triệu người dân ở vùng Sừng châu Phi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, nguy cơ đói ăn và suy dinh dưỡng sẽ tăng cao do tình hình an ninh lương thực xấu đi nhanh chóng.
Vùng Sừng châu Phi hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ảnh 1Tình trạng hạn hán nghiêm trọng có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Sừng châu Phi. (Nguồn: drc.ngo)

Ngày 8/4, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cảnh báo khu vực Đông Bắc Phi (còn gọi là vùng Sừng châu Phi) đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khiến 15 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn thông báo của IOM cho biết các đồng cỏ và các điểm nước đang khô cạn trên toàn khu vực.

Nhiều cộng đồng mục vụ và nông thôn đang chứng kiến gia súc chết hàng loạt và bị mất đi sinh kế.

Hàng chục nghìn gia đình cũng bị buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn, nước uống và đồng cỏ, làm gia tăng áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã hạn hẹp.

[LHQ: Cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ vùng Sừng châu Phi do hạn hán]

IOM nhận định tình trạng hạn hán nghiêm trọng hiện nay có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực vốn bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề khác như xung đột, mất an ninh, biến đổi khí hậu, dịch châu chấu và các tác động kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Nguy cơ đói ăn và suy dinh dưỡng ở vùng Sừng châu Phi sẽ tăng cao do tình hình an ninh lương thực xấu đi nhanh chóng.

Tại Somalia, nơi có nhiều địa phương đang trải qua tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong 40 năm qua, chính phủ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ tháng 11 năm ngoái.

Hạn hán có thể sẽ khiến hơn một triệu người dân nước này phải di tản. Tại miền Nam và Đông Nam Ethiopia, hạn hán cũng đang làm xói mòn sinh kế của ít nhất 4 triệu người trong các cộng đồng mục vụ và nông nghiệp.

Theo IOM, hiện các nhu cầu ở vùng Sừng châu Phi đã vượt quá khả năng do hạn chế về nguồn lực. Do đó, khu vực này rất cần thêm kinh phí để cứu sống và tạo sinh kế nhằm giảm thiểu tình trạng di dời và ngăn chặn nguy cơ lớn hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục