Vùng ly khai của Moldova mất điện diện rộng do Nga cắt nguồn cung khí đốt

Cộng hòa ly khai Transnistria giáp biên giới với Ukraine đã không thể cung cấp hệ thống sưởi và nước nóng cho người dân từ ngày 1/1, khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Moldova do tranh chấp tài chính.

Điểm xuất phát của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 ở Ust-Luga, Nga. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)
Điểm xuất phát của hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 ở Ust-Luga, Nga. (Ảnh: Bloomberg/TTXVN)

Ngày 4/1, khu vực ly khai Transnistria của Moldova đã ra lệnh cắt điện luân phiên ngày thứ hai do việc cắt nguồn cung khí đốt của Nga đã làm cạn kiệt nguồn năng lượng của nước cộng hòa tự xưng thân Moskva này.

Cộng hòa ly khai Transnistria giáp biên giới với Ukraine đã không thể cung cấp hệ thống sưởi ấm và nước nóng cho người dân kể từ ngày 1/1, khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Moldova do tranh chấp tài chính.

Chính quyền Transnistria cho biết ngày 4/1 họ đã phải cắt điện luân phiên trong 3 giờ.

Một số khu vực của thành phố Tiraspol lớn nhất của vùng ly khai này cũng như các thị trấn, làng mạc nhỏ hơn sẽ lại bị cô lập.

Ông Vadim Krasnoselsky, lãnh đạo Transnistria thân Moskva nói rằng tình trạng mất điện sẽ phải kéo dài vì khu vực này đã cạn kiệt nguồn cung năng lượng.

Theo ông, thời gian cắt điện từ ngày 5/1 sẽ kéo dài lên 4 giờ. Nhà máy điện lớn nhất Transnistria đã phải chuyển sang đốt than.

Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Moldova từ ngày 1/1 do tranh chấp với Chính phủ Moldova tại Chisinau, cùng ngày với việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt lớn giữa Moskva và Kiev qua lãnh thổ Ukraine.

Hai "cú đánh" liên tiếp này đã đẩy Transnistria vào khủng hoảng, khi hầu hết ngành công nghiệp khu vực này phải dừng hoạt động và chính quyền kêu gọi người dân thu thập củi để sưởi ấm.

Transnistria là nơi sinh sống của chưa đầy nửa triệu người, trên thực tế do lực lượng thân Nga kiểm soát kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nhưng được quốc tế công nhận là một phần của Moldova.

Moldova là nước Cộng hòa thuộc Liên Xô nằm giữa Ukraine và Romania, một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đang đặt mục tiêu gia nhập EU và đã được cấp tư cách ứng cử viên, đây là điều khiến Moskva tức giận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa.

Nga xác định các nhóm nguy cơ nhiễm virus HMPV

Các chuyên gia y tế Nga chỉ ra trẻ em, người lớn tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch là những nhóm dễ bị nhiễm virus HMPV, và thời gian ủ bệnh rất ngắn từ 3 đến 5 ngày.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát của toà nhà bị trúng tên lửa Nga ở Zaporizhzhia, Ukraine ngày 10/12/2024. (Ảnh: AA/TTXVN)

Máy bay Nga bắn hạ 4 tên lửa Ukraine ở tỉnh Kursk

Thông báo từ Trụ sở điều hành hoạt động quân sự của Nga ở tỉnh Kursk có đoạn: “Hôm nay, 4 tên lửa Ukraine đã bị bắn hạ vào những thời điểm khác nhau trên bầu trời tỉnh Kursk. Nhờ các máy bay chiến đấu phòng không."

Trực thăng quân sự được trưng bày tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng quốc tế lần thứ 32 ở thành phố Kielce, Ba Lan, ngày 3/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ukraine chuyển nhà máy sản xuất vũ khí sang Ba Lan

Đại biện lâm thời Ba Lan tại Ukraine Piotr Lukasiewicz xác nhận một nhà máy thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraine đã được xây dựng ở Ba Lan, và nhà máy đặt tại vị trí cách xa Nga.