Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - động lực phát triển mạnh nhất
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang đóng góp khoảng 45% vào kinh tế đất nước.
Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 nhằm đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, từ đó giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc Quận 2 với xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Tỉnh Bình Dương có số lượng và chất lượng khu công nghiệp đứng đầu cả nước. Các khu công nghiệp này đã phát huy công năng, giúp tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước rất hiệu quả, tạo đòn bẩy đưa Bình Dương phát triển nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất thép lá mạ (Công ty Cổ phần Tôn Đông Á) tại Khu công nghiệp Đồng An 2, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, tập trung vào phát triển cây ăn trái. Toàn tỉnh hiện có khoảng 80.000 ha cây ăn trái, sản lượng hằng năm hơn 1,5 triệu tấn trái các loại. Nhiều loại trái đã được xây dựng thương hiệu, xuất khẩu đi các nước. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long trên diện tích chuyển đổi. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tỉnh Tây Ninh tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành mía đường. Trong ảnh: Thu hoạch mía tại vùng nguyên liệu mía của Công ty TNHH Hưng Thịnh, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)
Tây Ninh đã triển khai thực hiện tốt các quy hoạch được phê duyệt, xác định vùng chuyên canh thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp theo định hướng cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng có giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)
Những năm gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất bánh tráng tại Tây Ninh đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, để cho ra sản phẩm bánh tráng cuốn chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, từng bước xây dựng thương hiệu đặc sản bánh tráng Tây Ninh. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)
Từ lâu, nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong ảnh: Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã xây dựng vùng an toàn toàn dịch bệnh tại hầu hết các khu vực chăn nuôi tập trung. Trong ảnh: Một trang trại nuôi gà ở xã Long Chữ, huyện Bến Cầu được đảm bảo tiêm vaccine phòng dịch. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)
Sầu riêng là loại trái đặc sản ở Tiền Giang, được nhiều người biết đến. Hiện toàn tỉnh có khoảng 13.000ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở Cái Bè và thị xã Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Hằng năm, các Nhà máy điện Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 16 tỷ kWh, chiếm khoảng 26% sản lượng điện phía Nam và khoảng 11% sản lượng điện toàn hệ thống điện. Trong ảnh: Một góc Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Tỉnh Bình Dương có số lượng và chất lượng khu công nghiệp đứng đầu cả nước. Các khu công nghiệp này đã phát huy công năng, giúp tỉnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước rất hiệu quả, tạo đòn bẩy đưa Bình Dương phát triển nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất lốp ôtô tại nhà máy của Công ty TNHH Lốp Kumho Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sản xuất đồ gỗ nội thất gia dụng cao cấp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Kaiser (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Nhà máy sản xuất sợi cotton của Công ty TNHH Kyungbang Việt Nam (Tập đoàn Kyungbang của Hàn Quốc) chuyên dệt chỉ, sợi và phụ liệu ngành dệt, tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bến Cát). (Ảnh: Quách Lắm/TTXVN)
Thành phố mới Bình Dương có tầm nhìn trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa-hành chính của khu vực. Đồng thời là tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối sự giao thương trong khu vực và cho các tỉnh thành ở phía Nam. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)
Hồ tiêu là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Phước, mỗi năm thu hoạch hơn 30.000 tấn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái, xã An Thái, huyện Phú Giáo (Công ty Cổ phần Nông nghiệp Unifarm) là mô hình tiên phong trong chuyển đổi và phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương. Hiện tại, công ty đã phát triển nhiều loại cây ăn quả, trong đó có khoảng 180ha chuối già cấy mô được trồng theo công nghệ tiên tiến, hiện đại đạt tiêu chuẩn toàn cầu (Global GAP) đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia…(Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước, Bình Phước được xem là thủ phủ của cây điều Việt Nam. Ngoài số lượng lớn diện tích và sản lượng, điều Bình Phước còn được đánh giá có chất lượng cao, nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên khắp thế giới. Trong ảnh: Phân loại hạt điều tại nhà máy của Xí nghiệp chế biến điều và nông sản thực phẩm Bình Phước (Tổng công ty rau quả, nông sản). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Bình Phước tập trung tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững. Trong ảnh: Thu hoạch mủ cao su tại Nông trường cao su Tân Lợi (Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú), xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bình Phước có vị thế chiến lược, thuận lợi cho đầu tư sản xuất công nghiệp. Vì vậy, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là mục tiêu chiến lược của tỉnh trong những năm gần đây với nhiều chính sách mang tính đột phá và bước đầu thu hút được làn sóng đầu tư khá mạnh mẽ. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Phước. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong ảnh: Thu hoạch cá tra thương phẩm tại một hộ gia đình ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Với vị trí địa lý thuận lợi có nhiều cảng biển nước sâu, giai đoạn 2015-2020, Bà Rịa-Vũng Tàu đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ thống cảng biển, cũng như dịch vụ hậu cần cảng. Trong ảnh: Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đón tàu UASC ZAMZAM dài gần 300m chở theo 9.006 Teu container lần đầu cập cảng. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang khai thác nhiều mỏ dầu và khí có trữ lượng lớn, trở thành "cái nôi" của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong ảnh: Bạch Hổ là mỏ dầu lớn nhất ở thềm lục địa Việt Nam, được Vietsovpetro tổ chức khai thác với sản lượng cao, trên dưới 12 triệu tấn/năm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy, hải sản lớn, ngư trường rộng cho nên từ lâu, nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong ảnh: Đánh bắt tôm hùm tại ngư trường Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Phát triển cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh gắn với phát triển hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, tăng năng lực vận tải hàng hóa trung chuyển bằng đường thủy. Đặc biệt, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối với khu cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để nâng cao hiệu quả khai thác cảng, cải thiện tình hình giao thông đường bộ kết nối khu vực cảng. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Tỉnh Đồng Nai đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đón làn sóng đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Đồng Nai là nơi được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chú ý và muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Trong ảnh: Một góc khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Đồng Nai là địa phương được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chú ý và muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất đồ gia dụng, thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Tiger VietNam, vốn đầu tư của Nhật Bản, tại khu công nghiệp Amata (Đồng Nai). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hai robot hình người có tên NAO đến từ Nhật Bản đã được Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) mua để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 tại Đồng Nai đạt hiệu suất vào loại cao nhất trong các nhà máy nhiệt điện hiện có của hệ thống điện Việt Nam. Nhà máy luôn vận hành an toàn, tin cậy với độ khả dụng cao, thân thiện với môi trường, trở thành một phần tử quan trọng của hệ thống điện quốc gia. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tỉnh Long An đang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng 4 vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của địa phương. Trong ảnh: Trang trại trồng chuối xuất khẩu của một hộ tư nhân ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. (Ảnh: Trần Hữu Hiếu/TTXVN)
Công ty Cổ phần Gò Đàng (AGD) tại Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) là một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tỉnh Long An phát huy tiềm năng, khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh kinh tế mạnh cả về nông nghiệp và công nghiệp trọng điểm của Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Công ty TNHH JIA HSIN sản xuất dép xốp xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Á. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Cảng quốc tế Long An được chia làm ba giai đoạn đầu tư, hoàn thành toàn bộ vào năm 2023, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ đối với tỉnh Long An mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Những năm gần đây, diện tích các loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Long An có xu hướng tăng, do nhiều địa phương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao và hướng đến thị trường quốc tế. Trong ảnh: Bên cạnh cây thanh long, cây chanh cũng mang lại hiệu quả cao hơn so với cây lúa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
Tỉnh Long An tập trung thực hiện nhiều giải pháp để ổn định, phát triển sản xuất lúa, gạo xuất khẩu như quy hoạch xây dựng các vùng và các tiểu vùng sản xuất lúa mang tính chuyên môn hóa. Trong ảnh: Vận chuyển gạo nguyên liệu vào nhà máy xay xát, chế biến xuất khẩu tại Xí nghiệp 2 của Công ty Lương thực Long An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 120 ha diện tích nuôi cá tra, trong đó doanh nghiệp chiếm trên 50%. Cù lao Tân Phong trên sông Tiền thuộc thị xã Cai Lậy là nơi tập trung nhiều hộ thâm canh cá tra nhất tỉnh. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là địa phương đi đầu trong xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất áp dụng khoa học-công nghệ cao như sản xuất lúa hữu cơ, lúa VietGAP, GlobalGAP… (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Công ty Lương thực Tiền Giang (Tổng công ty Lương thực miền Nam) thực hiện nhiều hoạt động phục vụ nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Vận chuyển gạo nguyên liệu vào dự trữ chế biến xuất khẩu tại Xí nghiệp xay xát và chế biến lương thực Việt Nguyên (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 6.038,8 ha. Hầu hết các khu này đều có tỷ lệ đất cho thuê từ đất đạt 60% - 100%. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty TNHH MTEX Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản, tại Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối Quận 1 và Quận 2 (TP Hồ Chí Minh) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm Thành phố. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua là 8,4%/năm. Trong ảnh: Bốc xếp gạo xuất khẩu của Công ty CP Lương thực TP Hồ Chí Minh tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Nút giao thông An Sương (TP Hồ Chí Minh) với quy mô 3 tầng gồm: hầm chui, tầng trên mặt đất và cầu vượt, giúp giải quyết “điểm đen” về ùn tắc, tai nạn giao thông ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP Hồ Chí Minh, kết nối Thành phố với tỉnh Tây Ninh qua Quốc lộ 22 và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua Quốc lộ 1. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cung ứng nguồn vốn vay cho các thành phần tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo là hộ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo thực hiện phương án liên kết Cánh đồng lớn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao (SHTP-Training Center) tại TP Hồ Chí Minh có Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật và một tổ hợp phòng thí nghiệm Robot – Tự động hóa với nhiều robot và thiết bị máy móc hiện đại; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao, các trường đại học cao đẳng mở lớp bồi dưỡng đào tạo kỹ sư về các chuyên đề công nghệ cao. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và Trung Lương-Mỹ Thuận hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh các tỉnh Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng. Trong ảnh: Một đoạn trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Củ Chi, cách trung tâm Thành phố 44km về phía Tây Bắc đã phát triển thành một khu kinh tế - kỹ thuật, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sau khi được nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) sẽ có sản lượng vận chuyển hành khách đạt 50 triệu lượt khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 0,8-1 triệu tấn/năm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - Samco (TP Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất, lắp ráp ôtô từ 28 đến 80 chỗ, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, được người tiêu dùng trong nước bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ven sông Tân Phong, Quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) là khu đô thị đầu tiên được quy hoạch hoàn chỉnh ở Việt Nam tính từ sau năm 1986 và là khu đô thị lớn nhất ở châu Á được quy hoạch tổng thể theo chuẩn mực quốc tế. Ðô thị này không chỉ có mảng xanh phủ mát quanh năm, kiến trúc thân thiện với con người mà còn đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. (Ảnh: Trung Tuyến/TTXVN)
Tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây dài 55km, đi qua địa phận của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, được đưa vào khai tháng từ tháng 2/2015, góp phần quan trọng trong việc kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian lưu thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; đẩy mạnh giao thương giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, vùng lân cận. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Sau năm 2020, các doanh nghiệp may mặc lớn tại TP Hồ Chí Minh sẽ là các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh theo nhóm sản phẩm và thị trường; đến năm 2030, ngành dệt may của thành phố trở thành ngành công nghiệp quan trọng, tiếp tục đóng góp ổn định giá trị xuất khẩu của Thành phố. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tiềm năng phát triển vượt trội, trong tương lai sẽ trở thành trung tâm tài chính kinh tế thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều thuận lợi về vị trí lẫn chiến lược phát triển. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)