Vùng Ile-de-France có kế hoạch giúp Hà Nội chiến lược xử lý rác thải

Phát triển giao thông công cộng xanh, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên là những yếu tố mà một đô thị bền vững cần có.
Hội thảo 'Đô thị bền vững' được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France đồng tổ chức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Phát triển giao thông công cộng xanh, đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên là những yếu tố mà một đô thị bền vững cần có." Đó là những nội dung được ông Stéphane Beaude, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France (Pháp) nhấn mạnh trong Phiên hội thảo về “Đô thị bền vững” do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội đồng vùng Ile-de-France đồng tổ chức, thuộc khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12, diễn ra vào chiều 14/4.

Đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France cho biết, điểm tương đồng với Hà Nội và vùng là chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa trong các dự án xây dựng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ile-de-France có kế hoạch hợp tác giúp cho Hà Nội nghiên cứu chiến lược chính sách xử lý rác thải, xây những “khu chợ không rác” và có sự tham gia của cả cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp tại Pháp.

[Chuyên gia Hà Nội và Toulouse hợp tác bảo tồn di sản trong lòng đô thị]

Ông Stéphane Beaude cũng cho biết, đối với Việt Nam, cư dân đô thị chủ yếu sống ở đồng bằng nơi chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, Việt Nam cần lưu ý những yếu tố này trong dự án phát triển đô thị. Đây đồng thời cũng là mục tiêu của vùng tại Pháp: Ile-de-France hiện đã có một số dự án thí điểm và thành lập nhóm chuyên gia, hỗ trợ các chủ thể kinh tế nông nghiệp, bảo vệ rừng, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Vùng chủ trương xây dựng thêm 200 km đường điện ngầm để phục vụ khu vực thương mại, trở thành mạng lưới giao thông lớn thứ hai trên thế giới sau Tokyo.

Ông Stéphane Beaude, Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng Ile-de-France phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đồng chủ trì phiên hội thảo, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết trong nhiều năm qua, các nội dung về quy hoạch và phát triển đô thị đã được Việt Nam và Pháp hợp tác triển khai ở nhiều cấp độ, nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hóa, xây dựng các giải pháp đảm bảo hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế để đô thị đáng sống hơn.

Theo Tổ chức Nhà ở Liên hiệp quốc, vào năm 1950 có 25% dân số sống ở đô thị thì đến năm 2020, con số này đã tăng lên 50%. Tính đến hết năm 2022, tại Việt Nam có 88 đô thị, ước tính đóng góp 75% GDP cả nước. Sự phát triển đô thị cũng thách thức như hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, quá tải bộc lộ hạn chế đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19...

Riêng với Hà Nội - trung tâm văn hóa-kinh tế-chính trị của cả nước, hiện có dân số khoảng 8,5 triệu người, diện tích xấp xỉ 3.360km2, chịu áp lực giải quyết khối lượng công việc lớn và phức tạp. Những thách thức này đòi hỏi cách thức triển khai quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, mang tính chiến lược.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong tiến trình đó, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong phát triển đô thị, trong đó có vùng Ile de France và nhiều địa phương của Pháp. Vì vậy, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn mong rằng, hội thảo sẽ là cơ hội để hai bên cùng bàn thảo các phương thức, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, nâng cao đời sống sinh kế, học tập và làm việc ở các đô thị của người dân; tạo nền tảng để xây dựng các chương trình, dự án hợp tác trong thời gian sắp tới.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, định hướng phát triển đô thị của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào năm nhóm nhiệm vụ chủ yếu: thống nhất nhận thức, tư duy, hành động về vai trò của đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo ra hành lang pháp lý; thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác trong phát triển đô thị để xây dựng mô hình phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Trình bày tham luận "Hà Nội - Hướng tới mục tiêu phát triển giao thông bền vững," Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Đỗ Việt Hải cho biết mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của thành phố Hà Nội là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; áp dụng các công nghệ mới...

Cũng tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long đã chia sẻ về hợp tác với Pháp trong lĩnh vực quy hoạch không gian xanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, quận Hoàn Kiếm đã bắt đầu nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, không gian kiến trúc hồ Hoàn Kiếm và dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tại Hội thảo, các tham luận của các đại biểu đến từ Việt Nam và Pháp cũng đã chia sẻ những vấn đề về phát triển đô thị bền vững trong bối cảnh hiện nay; cùng xây dựng các chiến lược và hành động phát triển đô thị bền vững; những vấn đề tồn tại trong phát triển giao thông công cộng; tạo sự chuyển biến về chính sách công và cách làm thực tiễn trước những thách thức về đô thị bền vững.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục