Với tiềm năng, lợi thế vượt trội đã và đang có, Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng và cho cả vùng...
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi cởi mở với Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng về nội dung này.
- Năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, tình hình kinh tế - xã hội nhưng Hải Phòng tiếp tục ổn định và phát triển toàn diện. ông có thể khái quát những kết quả nổi bật của thành phố?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Năm 2022, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường; xuất hiện nhiều yếu tố mới, chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài khả năng dự báo.
Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển toàn diện, những kết quả nổi bật.
Kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản công nghiệp (IIP) tăng 14,5%; kim ngạch xuất khẩu 29 tỷ USD, tăng 10,56%; khách du lịch 7 triệu lượt, tăng 88,17%; sản lượng hàng qua cảng 168 triệu tấn, tăng 11,85%; tổng vốn đầu tư thực hiện 180 nghìn tỷ đồng, tăng 11,33%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 108.674 tỷ đồng, đạt 118,4% dự toán Trung ương giao và 102,9% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao, trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 66.000 tỷ đồng, đạt 118% dự toán Trung ương giao và 110% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao; thu nội địa phấn đấu hoàn thành 41.000 tỷ đồng theo kế hoạch dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao. Đây là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt vị trí cao nhất từ trước tới nay. Thành phố lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021.
[Xây dựng chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế Đồng bằng Sông Hồng]
Hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như: dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ-Hưng Đạo-Đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh; dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi... Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố.
Bước đầu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Chương trình chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, ngành, địa phương. Chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; triển khai Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
- Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng và cho cả vùng. ông nhận định như thế nào về Nghị quyết quan trọng này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam với khu vực và thế giới; có thủ đô Hà Nội, trọng điểm kinh tế của Bắc Bộ - một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong phát triển, các bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng; khắc phục những tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã thể hiện 05 quan điểm chỉ đạo quan trọng, xác định đầy đủ, cơ bản mục tiêu, tầm nhìn và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội-môi trường cụ thể; xác định 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát thực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này có nhiều điểm mới, với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển to lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng. Tư tưởng xuyên suốt là tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn vùng; khai thác hiệu quả vị trí đặc biệt của vùng để tiếp cận và hình thành các thị trường lớn, tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Cùng với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết mới lần này của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ là căn cứ pháp lý, chính trị quan trọng, là cơ sở để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn phát triển thành phố Hải Phòng trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
- Nhìn từ thực tế, sự liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế như liên kết về thể chế, chính sách, kết nối chuỗi giá trị... Quan điểm của ông về những hạn chế này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định một trong những hạn chế, yếu kém trong phát triển vùng là liên kết vùng chậm được đổi mới, thiếu cơ chế, chính sách gắn kết giữa mục tiêu phát triển của địa phương với mục tiêu chung của vùng.
Trên thực tế, trong giai đoạn vừa qua không chỉ vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng mà các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Vùng kinh tế-xã hội không phải là cấp hành chính, không là đối tượng được hệ thống pháp luật điều chỉnh nên việc ban hành cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển gặp nhiều khó khăn.
Trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và các quy hoạch ngành theo vùng được lập đồng thời nhưng thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, các quy hoạch này chưa thực sự là công cụ có tính ràng buộc trong định hướng, điều phối phát triển vùng.
Sự hợp tác, liên kết giữa với các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương.
Nguồn lực để đầu tư cho các dự án liên kết vùng còn thấp; đóng góp từ ngân sách địa phương cho các dự án liên kết vùng gặp khó khăn do chưa phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc triển khai các dự án có tính dẫn dắt, liên kết cấp vùng nhằm khai thác các lợi thế trong dài hạn và đối phó với các thách thức toàn vùng còn hạn chế.
Trong những năm qua, Hải Phòng là địa phương khởi xướng nhiều nội dung hợp tác, ký kết phát triển kinh tế-xã hội vùng quan trọng như: Hợp tác vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng Thủ đô Hà Nội; hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Đề xuất, triển khai phối hợp các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, nhất là các dự án giao thông liên vùng, như cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão, thành phố Hải Phòng và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), cầu Sông Hóa (nối huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đang tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế phân cấp, cơ chế đầu tư. Hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, đặc biệt là tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố trong thời gian dài không thay đổi, hạ tầng đường sắt cũ kỹ, phương tiện lạc hậu.
- Thưa ông, với vai trò đầu tàu dẫn dắt trong phát triển kinh tế của vùng cùng với lợi thế vượt trội đã và đang có, Hải Phòng cần có thêm những định hướng, cơ chế đột phá và tầm nhìn dài hạn như thế nào để cộng hưởng, tạo sức mạnh để phát triển Hải Phòng và cả vùng trong năm 2023 và những năm tiếp theo?
Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Với quy mô kinh tế chỉ đứng thứ 2 toàn vùng sau thủ đô Hà Nội, việc Hải Phòng giữ vững tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong một thời gian dài, liên tục dẫn đầu toàn vùng là sự nỗ lực, phấn đấu kiên trì, quyết liệt của quân và dân thành phố, với sứ mệnh Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước.
Trên cơ sở lợi thế vượt trội đã và đang có, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu: Phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; Xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Thành phố Hải Phòng đã và đang quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước theo đúng quan điểm đã được xác định tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đạt được mục tiêu trên, Trung ương cần có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng-Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Theo đó, cần sớm đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ) để việc vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho hệ thống đường bộ vốn đã rất quá tải.
Nghiên cứu, triển khai mô hình cơ quan quản lý cảng biển phù hợp và thống nhất, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển; theo hướng cần tạo tính chủ động, sáng tạo, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.
Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung ương, Chính phủ xem xét nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện thể chế, tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, tạo thành động lực tăng trưởng cho cả vùng. Sớm hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương.
Có cơ chế, chính sách phù hợp với các địa phương giữ vai trò là “đầu tàu”; có cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách phù hợp giúp các địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết, đầu tư tại địa phương khác, ngân sách cấp này được thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp khác vì lợi ích chung của địa phương, vùng và cả nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!./.