Trang mạng brookings.edu đăng bài phân tích của nghiên cứu viên Yun Sun thuộc chương trình kinh tế và phát triển - Sáng kiến Tăng trưởng châu Phi về sự can dự của các cường quốc toàn cầu và khu vực tại châu Phi, với nội dung như sau:
Trong khi Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đã và đang tăng cường cạnh tranh ở châu Phi trong thập kỷ qua, thì thập kỷ tới có thể sẽ chứng kiến những "người chơi" khác với những bước đi nổi bật hơn.
Trong số đó, Ấn Độ, Nga và một số nước lớn ở Trung Đông đã dành các nguồn lực và sự chú ý đến lục địa đầy triển vọng này.
Nguồn tài trợ của Trung Quốc đối với châu Phi có dấu hiệu chững lại
Lợi thế so sánh của Trung Quốc nằm ở các nguồn tài chính lớn được chính phủ sử dụng và mô hình tham gia kinh tế do nhà nước hậu thuẫn. Mặc dù Bắc Kinh đã cho thấy mong muốn tăng đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở châu Phi, nhưng nước này không có khả năng từ bỏ ưu tiên tổng thể đối với phát triển cơ sở hạ tầng vốn được tài trợ bởi các khoản vay.
Trong khi đó, khi cảm xúc hào hứng đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ở châu Phi nhường chỗ cho các khoản nợ đến hạn đối với các dự án đang hiện hữu, chính phủ các nước châu Phi phải giải quyết hậu quả tài chính nghiêm trọng của các dự án như các tuyến đường sắt Addis - Djibouti và Mombasa - Nairobi.
Mô hình tài chính Trung Quốc đã bị nhiều nhà quan sát chỉ trích và vấn đề bền vững của các khoản nợ không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ các nước châu Phi với tư cách là người đi vay, mà cả các ngân hàng Trung Quốc với tư cách là chủ nợ.
Diễn đàn BRI lần thứ hai được tổ chức vào tháng 4/2019 cho thấy Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới với các cơ chế cho vay nghiêm ngặt và có trách nhiệm hơn, cùng hy vọng rằng nguồn tài chính của cường quốc châu Á này dành cho châu Phi sẽ dựa trên nhiều quy định hơn.
Nhưng điều này cũng đòi hỏi các chính phủ châu Phi phải có tính kỷ luật và thận trọng hơn trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Thay vì dễ dãi với các nguồn tài trợ được mời gọi, các chính phủ châu Phi sẽ phải nhận ra và chuẩn bị cho hậu quả của khoản nợ đối với Trung Quốc, cả về kinh tế, an ninh và các tác động chiến lược khác.
Ấn Độ bắt đầu can dự châu Phi thông qua công nghệ
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ đã bắt đầu phát triển quan hệ đối tác và tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị với châu Phi.
Mặc dù nguồn tài chính của Ấn Độ có thể không sánh kịp với của Trung Quốc, nhưng những nỗ lực can dự của Ấn Độ là toàn diện, bao gồm các chuyến thăm cấp cao song phương, tăng cường thương mại và đầu tư, hỗ trợ phát triển và hợp tác 3 bên với các nước khác.
[Châu Phi năm 2020: “Mảnh đất của cơ hội” cho các nhà đầu tư]
Các trung tâm công nghệ Ấn Độ ở châu Phi có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao trong khu vực - lĩnh vực mà các đối tác khác thường bỏ qua.
Trên thực tế, kể từ năm 2015, sáu trung tâm công nghệ thông tin của Ấn Độ đã được thành lập trong khu vực, bao gồm Trung tâm Công nghệ thông tin xuất sắc ở Morocco, Trung tâm Công nghệ thông tin tiên tiến ở Lesotho và các trung tâm khác ở Madagascar và Zimbabwe. Ấn Độ cũng đã xây dựng các trung tâm đào tạo nghề ở 7 quốc gia, trong đó có ở Gambia và Rwanda.
Nga đang tái khẳng định sự hiện diện
Mặc dù chưa đạt mức độ can dự và ảnh hưởng ở châu Phi như thời Liên Xô, Moskva đang phát động chiến dịch nhằm hồi sinh sợi dây gắn kết trước đây là tăng cường sự hiện diện thương mại và an ninh, cũng như thu hút sự ủng hộ trên trường thế giới.
Đáng chú ý, mối quan hệ này chịu sự giám sát phần lớn từ Mỹ, với việc quy kết những gì Nga đang làm là các thỏa thuận "đổi phiếu bầu lấy vũ khí." Tuy nhiên, Nga vẫn là nhân tố chính trong thị trường vũ khí châu Phi, mặc dù đầu tư và các hoạt động kinh tế khác chưa đáng kể.
Mặc dù thương mại của Nga với châu Phi bị tụt lại phía sau so với một số đối thủ khác, nhưng Moskva đã đạt được những tiến bộ đáng chú ý, trong đó kim ngạch thương mại với châu Phi đã tăng từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên 4,8 tỷ USD năm 2018.
Xét theo sức mạnh của Nga và nhu cầu của châu Phi trong lĩnh vực năng lượng, quan hệ đối tác và đầu tư về dầu khí mang tính truyền thống, cũng như về năng lượng hạt nhân với Côte d’Ivoire, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Kenya, Nigeria, Rwanda, Zambia và các nơi khác đang ngày càng tăng.
Ngoài ra, tháng 10/2019, Nga đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên tại Sochi, với việc đạt được các thỏa thuận trị giá 12,5 tỷ USD trong thời gian hội nghị. Nga cũng tuyên bố xóa các khoản nợ trị giá 20 tỷ USD cho châu Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đẩy mạnh can dự châu Phi
Trong thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã dần dần chứng minh sự hiện diện ở châu Phi. 15 năm trở lại đây, thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Phi đã tăng gấp 4 lần từ 5,4 tỷ USD lên 20,6 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi đã thiết lập các hội nghị thượng đỉnh và quan hệ đối tác chính thức từ năm 2008 và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdoğan đã thực hiện hơn 30 chuyến công du tới châu Phi kể từ khi lên nắm quyền năm 2003.
Dưới thời Tổng thống Erdoğan, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng sự hiện diện ngoại giao với hơn 40 phái đoàn ngoại giao tại châu Phi, tăng từ con số 12 vào năm 2009.
Tương tự, Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) do nhà nước kiểm soát hiện có hơn 50 điểm đến ở châu Phi, tăng từ con số 14 vào năm 2011.
Các nước Trung Đông cũng tăng cường sự hiện diện tại châu Phi
Trong những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông đã chứng tỏ sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiềm năng kinh tế của châu Phi. Với vai trò là một trung tâm thương mại khu vực và toàn cầu, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của các thị trường mới nổi và công nghiệp hóa của châu Phi và đã trở thành người tiên phong trong việc đầu tư vào châu Phi, thuộc khuôn khổ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), vượt qua vai trò của Saudi Arabia vào năm 2016.
Do sự gần gũi về địa lý với châu Phi, nhiều công ty đa quốc gia lớn của UAE đã thành lập trụ sở Trung Đông và châu Phi tại Dubai. Cả Dubai và Abu Dhabi đều đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lượng ở châu Phi.
Chẳng hạn, trong chuyến thăm của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tới UAE vào tháng 7/2018, nước chủ nhà đã công bố đầu tư 10 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và phát triển doanh nghiệp Nam Phi trong vài năm tới.
Trong cùng chuyến công du đó, Tổng thống Ramaphosa cũng đã nhận được cam kết đầu tư 10 tỷ USD từ Saudi Arabia, tập trung vào việc hồi sinh ngành năng lượng của Nam Phi - điều đó phần nào phản ánh sự cạnh tranh giữa UAE và Saudi Arabia.
Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, Saudi Arabia cũng đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào nông nghiệp ở châu Phi.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng châu Phi có thể chỉ là chiến trường mới cho sự đối địch giữa các quốc gia vùng Vịnh và Qatar.
Qatar hiện có nhiều đại sứ quán ở châu Phi hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Thổ Nhĩ Kỳ. Để mở rộng quan hệ an ninh và phát triển quan hệ kinh tế, bao gồm cả nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, Chính phủ Qatar đã ngày càng tích cực trong các vấn đề hòa bình và an ninh châu Phi, cũng như về đầu tư kinh tế.
Trong thực tế, Qatar đã đóng nhiều vai trò của nhà trung gian hòa giải và nhà đầu tư trong vấn đề Darfur, Sudan hay tranh chấp biên giới giữa Eritrea và Djibouti.
Là lục địa phát triển nhanh nhất thế giới, châu Phi đang thu hút sự chú ý và nguồn lực từ tất cả những bên liên quan chính trên thế giới và khu vực. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần, dẫn đến một bức tranh đa dạng và phức tạp hơn về vai trò và tác động của các bên can dự bên ngoài đối với châu Phi.
Việc đa dạng hóa các đối tác bên ngoài của châu Phi - và sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới, nhìn chung là một xu hướng tích cực, bởi nhiều bên quan tâm hơn sẽ làm giảm sự phụ thuộc của lục địa này vào bất kỳ bên nào.
Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách và nhà lãnh đạo châu Phi phải điều tiết các mối quan hệ cạnh tranh phức tạp giữa các đối tác mới này trong khi tối đa hóa lợi nhuận cho toàn châu Phi và người dân các nước châu lục.
Do đó, việc xây dựng năng lực của các quốc gia châu Phi và xã hội dân sự hiện là một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết./.