Vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

Từ 13 giờ ngày 5/10 đến 13 giờ ngày 6/10, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới ảnh 1Hình ảnh vị trí và đường đi của vùng áp thấp. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 5/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 114,7-115,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 330km về phía Bắc Đông Bắc.

Dự báo, từ 13 giờ ngày 5/10 đến 13 giờ ngày 6/10, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 6/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 400 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đến 13 giờ ngày 6/10 (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 12,0-16,0 độ Vĩ Bắc; từ 112,0-117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Từ 13 giờ ngày 6/10 đến 13 giờ ngày 7/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm.

[Xuất hiện áp thấp ở Biển Đông, miền Bắc đón đợt không khí lạnh]

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Vùng biển phía Tây khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao 1,5-2,5m. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 7-11/10, các tỉnh Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm/đợt.

Riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà nẵng có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.

Các tỉnh Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350 mm/đợt.

Các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250 mm/đợt.

Sau ngày 11/10, mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Ngày 5/10, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước diễn biến thời tiết nguy hiểm ở trên biển, từ ngày 6/10, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ không cho tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn về người và phương tiện.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế, chiều và đêm 5/10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Thừa Thiên-Huế, gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3.

Vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng Đông Bắc cấp 4-5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8, biển động. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Từ đêm 6/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông và rãnh thấp có trục qua Trung Bộ, địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.

Lượng mưa từ 6-9/10 phổ biến từ 150-300 mm, có nơi trên 400mm. Sau đó, từ ngày 10-15/10, thời tiết còn diễn biến phức tạp, mưa to kéo dài.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị các địa phương trong tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai, thời tiết nguy hiểm xảy ra.

Từ sáng 6/10, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, bao gồm cả các tàu đánh cá bãi ngang ven biển. Đồng thời, các địa phương kiểm tra phương án sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, vùng ven sông suối, vùng ven biển, trũng thấp…

Chủ các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa đã được phê duyệt.

Đối với những công trình thủy điện đang thi công dở dang, công trình chưa được phép tích nước, Sở Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư mở cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Cam Lộ-La Sơn có phương án đảm bảo an toàn công trình, phương án chống va trôi những thiết bị đang thi công các công trình qua sông Hương, bố trí cắm biển báo tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục