Cùng với 12 dân tộc anh em, người Thái là dân tộc có số lượng lớn nhất với hơn 48 vạn người, chiếm gần 55% dân số tỉnh Sơn La.
Người Thái thường cư trú ở vùng thung lũng, gần nguồn nước, gắn với sản xuất ruộng nước, làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc.
Cũng như các dân tộc khác, người Thái đen ở bản Nà Mè, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn , tỉnh Sơn La có một kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú và đa dạng với nhiều lễ hội độc đáo như Xên bản, Hạn khuống, Mừng cơm mới…, đặc sắc nhất phải kể đến lễ hội Xên lẩu nó.
Xên lẩu nó là lễ hội truyền thống độc đáo của người Thái. Lễ hội được tổ chức để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng (Ông một) đã chữa bệnh cho mọi người. Những người được chữa khỏi bệnh, được coi là con nuôi của Ông một.
Đồng thời, đây cũng là ngày hội của cộng đồng, là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái và cùng hòa mình vào tiếng trống, tiếng chiêng, điệu xòe truyền thống.
Sau những tháng mùa đông buốt giá, khi mùa xuân đến cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa ban nở trắng rừng, búp măng đắng bắt đầu nhú, thì cũng là lúc lễ hội Xên lẩu nó được bắt đầu. Lễ hội kéo dài gần 3 ngày 3 đêm và được tổ chức trong ngôi nhà sàn của Ông một.
Từ sáng sớm, con nuôi ở khắp mường trên, bản dưới trên vai mang gùi gạo, con gà, dắt theo những con dê, con lợn đổ về nhà Ông một để chuẩn bị cho lễ hội. Mọi người không kể già trẻ, gái trai chung tay thu dọn nhà cửa, chống lại sàn nhà, đưa chăn đệm lên gác cao, cùng nhau dựng cây Xăng Bók (giàn hoa).
Cây Xăng Bók được dựng trên sàn của ngôi nhà, cao gần 3 mét, kết từ các loại cây quen thuộc, gần gũi với đời sống của người dân bản như cây mía, cây móc, cây măng đắng, cây chuối đã trổ buồng…, cùng các nhành hoa ban, hoa píp.
Trên cây được treo thêm các “ngân nga” (tượng trưng cho vòng bạc) làm từ các lạt tre cuộn tròn móc vào nhau thành dây dài, cùng các hộp hình vuông kết từ các loại chỉ màu tượng trưng cho mặt trời. Dưới chân cây Xăng Bók là những bình rượu cần, hoa chuối và các đoạn lõi chuối.
Trong khi phụ nữ trang trí cho cây Xăng Bók, thì thanh niên trai tráng dưới sự hướng dẫn của Ông một cùng nhau mổ trâu, mổ lợn để chuẩn bị cho lễ “pông phí một” (cúng mời các thần linh).
Sau khi mổ xong, trâu và lợn được cắt lấy các phần đầu, đuôi, lòng, tim gan mỗi thứ một ít rồi xếp lại thành hình con trâu, con lợn để lên mâm cúng. Ngoài ra trên mâm lễ còn bày 3 bát gạo, 4 quả trứng gà, 7 chén rượu, trầu cau… Sau khi bày xong mâm cúng, “Ông một” cầm bao kiếm đặt vào mâm, ngồi xuống lạy 3 lần rồi khấn...
Bên cạnh đó, nhiều phần cúng khác cũng được thực hiện trong 3 ngày lễ hội như tam phí hươn (lễ cúng tổ tiên), mè bảu (cúng bà tạo hóa thành con người), xống một (tiễn đưa các thần linh về)…
Phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ cúng các con nuôi (tam khuốn lụk liệng). “Ông một” Lường Văn Ơn , bản Nà Mè cho biết hiện ông có gần 100 người con nuôi, nên phải mất hơn 1 ngày mới thực hiện xong lễ cúng.
Các con nuôi sau khi mang lễ vật đến nhà Ông một, chia nhau ra mỗi gia đình một chỗ, tự mổ gà, vo gạo đồ xôi để chuẩn bị cho mâm lễ dâng lên cảm tạ Ông một đã chữa khỏi bệnh.
Khi chuẩn bị xong, mâm lễ của các con nuôi được rải trên là chuối, gồm có 1 con gà hoặc 1 con lợn, 1 nải chuối, 1 bát gạo, 2 chén rượu, 3 mét vải…. . Sau đó, lần lượt từng người con nuôi dâng lễ để “Ông một” làm lễ cúng, khấn cho các con nuôi...
Cúng xong, Ông một nghe các con nuôi trình bày tâm tư, kể bệnh, ông căn dặn cách làm, đưa ra một số lời khuyên về bệnh tật và cách xử lý.
Ông cũng hướng dẫn mọi người cách làm bùa để bình an, rồi lấy vòng tay, vòng cổ của các con nuôi làm phép, đọc thần chú rồi đeo vào cổ, vào tay mọi người.
Phần lễ và phần hội của Xên lẩu nó có sự đan xen với nhau, sau khi hoàn thành một phần lễ, mọi người lại cùng nhau nhảy múa xung quanh cây Xăng Bók.
Khi tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên, Ông một mặc đồ lễ, diễn trò giả làm con khỉ chạy quanh cây Xăng Bók rồi bất ngờ leo lên phía trên dùng miệng cắn vào buồng chuối rồi phun xuống phía dưới.
Lúc này ở phía dưới mọi người cùng nắm tay nhau kết những điệu xòe quanh cây Xăng Bók. Sau khi leo xuống phía dưới, Ông một cùng người giúp việc của mình diễn trò mang hình tượng phồn thực nhảy múa vòng quanh cây Xăng Bók, tạo không khí rất náo nhiệt sôi động cho lễ hội.
Sau đó Ông một bắt nhịp mọi người cùng tham gia lễ hội. Mọi người vừa nhún nhảy theo nhịp trống, chiêng, ... cười nói rất vui vẻ. Đây là hình thức múa dân gian mang tính tượng trưng, thể hiện hiện sự sinh sôi nảy nở, cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu hơn của người Thái.
Kết thúc phần diễn trò phồn thực, mọi người cầm dải khăn trắng kết điệu xòe quanh cây Xăng Bók theo nhịp trống chiêng. Phần hội cứ thế được tiếp diễn, mọi người đều vui chơi nhảy múa say sưa suốt đêm, không ai muốn về.
Sau 3 ngày, 3 đêm vui hội Xên lẩu nó thỏa thích, mọi người lại trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục lao động sản xuất và tự nhủ sẽ hẹn gặp nhau trong hội Xên lẩu nó lần tới.
Lễ hội Xên lẩu nó có từ xa xưa, được nhân dân đúc kết, truyền từ đời này sang đời khác và có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của người Thái.
Ngày nay, khi hệ thống y tế mở rộng, trình độ dân trí được nâng lên, khi đau ốm người dân đều có các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nhưng lễ Xên lẩu nó vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, cùng với gần 20 lễ hội khác của tỉnh Sơn La, Xên lẩu nó đã được Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La tiến hành nghiên cứu, phục dựng, góp phần lưu giữ, qua đó giới thiệu và khẳng định những giá trị của lễ hội này trong kho tàng văn hóa Việt Nam./.
Người Thái thường cư trú ở vùng thung lũng, gần nguồn nước, gắn với sản xuất ruộng nước, làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc.
Cũng như các dân tộc khác, người Thái đen ở bản Nà Mè, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn , tỉnh Sơn La có một kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú và đa dạng với nhiều lễ hội độc đáo như Xên bản, Hạn khuống, Mừng cơm mới…, đặc sắc nhất phải kể đến lễ hội Xên lẩu nó.
Xên lẩu nó là lễ hội truyền thống độc đáo của người Thái. Lễ hội được tổ chức để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng (Ông một) đã chữa bệnh cho mọi người. Những người được chữa khỏi bệnh, được coi là con nuôi của Ông một.
Đồng thời, đây cũng là ngày hội của cộng đồng, là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái và cùng hòa mình vào tiếng trống, tiếng chiêng, điệu xòe truyền thống.
Sau những tháng mùa đông buốt giá, khi mùa xuân đến cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa ban nở trắng rừng, búp măng đắng bắt đầu nhú, thì cũng là lúc lễ hội Xên lẩu nó được bắt đầu. Lễ hội kéo dài gần 3 ngày 3 đêm và được tổ chức trong ngôi nhà sàn của Ông một.
Từ sáng sớm, con nuôi ở khắp mường trên, bản dưới trên vai mang gùi gạo, con gà, dắt theo những con dê, con lợn đổ về nhà Ông một để chuẩn bị cho lễ hội. Mọi người không kể già trẻ, gái trai chung tay thu dọn nhà cửa, chống lại sàn nhà, đưa chăn đệm lên gác cao, cùng nhau dựng cây Xăng Bók (giàn hoa).
Cây Xăng Bók được dựng trên sàn của ngôi nhà, cao gần 3 mét, kết từ các loại cây quen thuộc, gần gũi với đời sống của người dân bản như cây mía, cây móc, cây măng đắng, cây chuối đã trổ buồng…, cùng các nhành hoa ban, hoa píp.
Trên cây được treo thêm các “ngân nga” (tượng trưng cho vòng bạc) làm từ các lạt tre cuộn tròn móc vào nhau thành dây dài, cùng các hộp hình vuông kết từ các loại chỉ màu tượng trưng cho mặt trời. Dưới chân cây Xăng Bók là những bình rượu cần, hoa chuối và các đoạn lõi chuối.
Trong khi phụ nữ trang trí cho cây Xăng Bók, thì thanh niên trai tráng dưới sự hướng dẫn của Ông một cùng nhau mổ trâu, mổ lợn để chuẩn bị cho lễ “pông phí một” (cúng mời các thần linh).
Sau khi mổ xong, trâu và lợn được cắt lấy các phần đầu, đuôi, lòng, tim gan mỗi thứ một ít rồi xếp lại thành hình con trâu, con lợn để lên mâm cúng. Ngoài ra trên mâm lễ còn bày 3 bát gạo, 4 quả trứng gà, 7 chén rượu, trầu cau… Sau khi bày xong mâm cúng, “Ông một” cầm bao kiếm đặt vào mâm, ngồi xuống lạy 3 lần rồi khấn...
Bên cạnh đó, nhiều phần cúng khác cũng được thực hiện trong 3 ngày lễ hội như tam phí hươn (lễ cúng tổ tiên), mè bảu (cúng bà tạo hóa thành con người), xống một (tiễn đưa các thần linh về)…
Phần quan trọng nhất của lễ hội là lễ cúng các con nuôi (tam khuốn lụk liệng). “Ông một” Lường Văn Ơn , bản Nà Mè cho biết hiện ông có gần 100 người con nuôi, nên phải mất hơn 1 ngày mới thực hiện xong lễ cúng.
Các con nuôi sau khi mang lễ vật đến nhà Ông một, chia nhau ra mỗi gia đình một chỗ, tự mổ gà, vo gạo đồ xôi để chuẩn bị cho mâm lễ dâng lên cảm tạ Ông một đã chữa khỏi bệnh.
Khi chuẩn bị xong, mâm lễ của các con nuôi được rải trên là chuối, gồm có 1 con gà hoặc 1 con lợn, 1 nải chuối, 1 bát gạo, 2 chén rượu, 3 mét vải…. . Sau đó, lần lượt từng người con nuôi dâng lễ để “Ông một” làm lễ cúng, khấn cho các con nuôi...
Cúng xong, Ông một nghe các con nuôi trình bày tâm tư, kể bệnh, ông căn dặn cách làm, đưa ra một số lời khuyên về bệnh tật và cách xử lý.
Ông cũng hướng dẫn mọi người cách làm bùa để bình an, rồi lấy vòng tay, vòng cổ của các con nuôi làm phép, đọc thần chú rồi đeo vào cổ, vào tay mọi người.
Phần lễ và phần hội của Xên lẩu nó có sự đan xen với nhau, sau khi hoàn thành một phần lễ, mọi người lại cùng nhau nhảy múa xung quanh cây Xăng Bók.
Khi tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên, Ông một mặc đồ lễ, diễn trò giả làm con khỉ chạy quanh cây Xăng Bók rồi bất ngờ leo lên phía trên dùng miệng cắn vào buồng chuối rồi phun xuống phía dưới.
Lúc này ở phía dưới mọi người cùng nắm tay nhau kết những điệu xòe quanh cây Xăng Bók. Sau khi leo xuống phía dưới, Ông một cùng người giúp việc của mình diễn trò mang hình tượng phồn thực nhảy múa vòng quanh cây Xăng Bók, tạo không khí rất náo nhiệt sôi động cho lễ hội.
Sau đó Ông một bắt nhịp mọi người cùng tham gia lễ hội. Mọi người vừa nhún nhảy theo nhịp trống, chiêng, ... cười nói rất vui vẻ. Đây là hình thức múa dân gian mang tính tượng trưng, thể hiện hiện sự sinh sôi nảy nở, cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu hơn của người Thái.
Kết thúc phần diễn trò phồn thực, mọi người cầm dải khăn trắng kết điệu xòe quanh cây Xăng Bók theo nhịp trống chiêng. Phần hội cứ thế được tiếp diễn, mọi người đều vui chơi nhảy múa say sưa suốt đêm, không ai muốn về.
Sau 3 ngày, 3 đêm vui hội Xên lẩu nó thỏa thích, mọi người lại trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục lao động sản xuất và tự nhủ sẽ hẹn gặp nhau trong hội Xên lẩu nó lần tới.
Lễ hội Xên lẩu nó có từ xa xưa, được nhân dân đúc kết, truyền từ đời này sang đời khác và có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của người Thái.
Ngày nay, khi hệ thống y tế mở rộng, trình độ dân trí được nâng lên, khi đau ốm người dân đều có các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nhưng lễ Xên lẩu nó vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, cùng với gần 20 lễ hội khác của tỉnh Sơn La, Xên lẩu nó đã được Trung tâm văn hóa tỉnh Sơn La tiến hành nghiên cứu, phục dựng, góp phần lưu giữ, qua đó giới thiệu và khẳng định những giá trị của lễ hội này trong kho tàng văn hóa Việt Nam./.
Lê Hữu Quyết (TTXVN)