Vực dậy ngành ôtô: Không chỉ là ý chí của doanh nghiệp

Năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu ôtô sẽ về 0% từ các nước ASEAN đang đến gần, câu chuyện về tỷ lệ nội địa hóa ngành ôtô và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt lại càng trở nên nóng hơn.
Vực dậy ngành ôtô: Không chỉ là ý chí của doanh nghiệp ảnh 1Dây chuyền lắp ráp ôtô du lịch tại nhà máy THACO (Khu kinh tế mở Chu Lai). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Năm 2018, thời điểm thuế nhập khẩu ôtô sẽ về 0% từ các nước ASEAN đang đến gần, câu chuyện về tỷ lệ nội địa hóa ngành ôtô và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt lại càng trở nên nóng hơn.

Tại sao sau 20 năm phát triển, công nghiệp ôtô của Việt Nam vẫn chưa có “hình hài” và làm thế nào để hoàn thành giấc mơ “Người Việt dùng ôtô Việt”?

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành cơ khí, phụ trợ cho ôtô sau nhiều năm hình thành và phát triển?

Ông Đào Phan Long: Kể từ khi Việt Nam có chính sách kêu gọi phát triển ngành ôtô, trong khoảng 20 năm, thì đến nay, chúng ta vẫn chưa đạt được như mong muốn về tỷ lệ nội địa hóa. Theo số liệu thì tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ôtô chỉ đạt dưới 30%.

Tuy nhiên, trong ôtô có các bộ phận quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị cao như động cơ thì Việt Nam chưa làm được. Hệ thống khung gầm, sắt xi, nội thất, hộp số, cầu xe..., chúng ta chỉ làm được một số bộ phận nội thất, thùng xe tải, vỏ xe buýt và gần đây là lốp. Còn hầu như Việt Nam phải nhập khẩu, từ bulong, ốc vít để lắp ráp, sản xuất xe...

Tất cả những phụ tùng đó, tính chung tỷ lệ nội địa hóa Việt Nam tham gia chỉ được dưới 25% về mặt giá trị.


- Nguyên nhân nào khiến ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sau 20 năm vẫn chưa phát triển như mong muốn, thưa ông?


Ông Đào Phan Long:
Hiện nay, tại các bộ, ngành, có rất ít người có thể am tường về sản xuất cơ khí nói chung và về ôtô nói riêng thì khi đưa ra chính sách sẽ rất khó để có được ôtô "Made in Việt Nam".

Thế nhưng, phải khẳng định nhìn lại quá trình, có thể nói trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về cán bộ đang công tác tại các cơ quan hiện nay, mà đó là hậu quả lịch sử, của chính sách đầu tư, quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp... Điều này dẫn đến sau 20 năm, chúng ta chưa hoàn thành được công nghiệp hóa nói chung và vẫn chưa có được ngành công nghiệp ôtô.

Thời điểm ban đầu, chính sách ôtô Việt Nam có sự rõ ràng vì lúc đó chúng ta biết lựa chọn loại sản phẩm, xe gì để đầu tư. Chúng ta có thể làm được xe chở khách, xe buýt, rồi xe tải nhỏ, theo hình thức lắp ráp, sản xuất một số loại phụ tùng. Sau đó chúng ta tiếp tục đưa ra các điều kiện lựa chọn doanh nghiệp để khuyến khích làm ôtô. Trên cơ sở ấy, có hỗ trợ về thuế, tạo vốn cho doanh nghiệp, nhưng các chính sách ấy lại được khai thác không đúng, không ợp lý.

[Công nghiệp ôtô Việt Nam: Cần thêm những “cú” lội ngược dòng]

Với liên doanh, do có ưu đãi về thuế, đất đai, nhân lực... nên đã thu hút được đầu tư FDI. Nhưng vì chúng ta chỉ lấy đất ra góp với liên doanh Toyota, Honda, Ford... nên quyền sở hữu quốc doanh chỉ có 30% và không có tiếng nói, hoàn toàn phụ thuộc chính sách công ty nước ngoài. Và như vậy, các doanh nghiệp dần trở thành các nhà nhập khẩu, bán ôtô chứ không phải cùng Việt Nam làm ôtô.

Đến nay, để làm công nghiệp phụ trợ cho ôtô thì có hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh, các doanh nghiệp FDI lớn này đã có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan... và tham gia chuỗi toàn cầu.

Theo quy luật thị trường và lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ mang hàng sang Việt Nam bán thay vì đầu tư tốn kém. Đấy là khách quan. Do vậy, sẽ là rất khó để họ dịch chuyển chuỗi sản xuất này sang Việt Nam khi mà bản thân nội tại về công nghệ, chất lượng sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được như yêu cầu.

Đáng ra chính sách của Việt Nam là thu hút FDI, nhưng phải rõ ràng, họ lợi cái gì, mình lợi cái gì. Ví dụ tại Trung Quốc, từ những năm 2000, mỗi tỉnh chỉ được thành lập 1 liên doanh và nguyên tắc thứ nhất là tìm đối tác để sau này có sức cạnh tranh với các hãng ôtô trong khu vực. Thứ hai là góp vốn đất đai và tiền theo tỷ lệ 50-50. Và sau một thời gian, Trung Quốc cũng là cường quốc ôtô với thị trường 1 tỷ người. Còn chúng ta thì vẫn chưa có gì.


- Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, theo đó thuế nhập khẩu sẽ ngày càng giảm thậm chí chỉ bằng 0%. Vậy theo ông, điều này có ảnh hưởng gì trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035?

Ông Đào Phan Long: Mốc 2018 khi thuế về 0% đã đến rất gần. Doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và ít ỏi, lại thiếu liên kết nên sẽ rất khó giữ được thị trường và tăng nội địa hóa ngay được. Nhưng với dung lượng 100 triệu dân, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng tốt như hiện nay thì câu hỏi đặt ra chúng ta có làm ôtô không, làm cái gì, để có thị trường trong nước rồi vươn ra khu vực ? Như Thái Lan trong nhiều năm qua cũng chỉ có tập trung 1 dòng xe bán tải Pickup.

Khi xem Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, chúng tôi băn khoăn là chiến lược đó chỉ đặt ra kỳ vọng với các con số mong muốn. Khi viết chiến lược thì phải phân tích để chiến lược đó tồn tại và đi vào cuộc sống. Cho nên, đã đến lúc Việt Nam phải nhìn nhận lại chiến lược về ôtô, nên lấy động lực doanh nghiệp sẵn có trong nhiều năm qua, củng cố bằng bàn tay nhà nước chứ không phải củng cố chỉ bằng nỗ lực của doanh nghiệp.


- Vậy theo ông, để phát triển ngành ôtô trong những năm tới, Việt Nam cần có cái nhìn và hướng đi như thế nào để vừa phù hợp các cam kết quốc tế và đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, người tiêu dùng?


Ông Đào Phan Long:
Câu hỏi đặt ra là liệu sắp tới 20 năm nữa, chiến lược tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam có làm ôtô không, chính sách ra làm sao, làm dòng xe nào, đơn hàng như thế nào, bảo vệ thị trường ra sao… để hài hòa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất ôtô nhưng không vi phạm hợp tác quốc tế. Vấn đề quan trọng nhất, theo tôi là ý chí của quốc gia, của Chính phủ, chứ không chỉ riêng của doanh nghiệp. Người làm ôtô chỉ dám bung sức khi có sức mua thị trường và có chính sách khuyến khích phù hợp.

Nhà nước có thể hỗ trợ, bảo vệ thị trường, giúp đào tạo nhân lực, giúp họ có trang thiết bị nào đó để họ có sức cạnh tranh. Nhưng việc trước tiên, phải chọn loại thị trường nào, phân khúc nào để chúng ta có thể phục vụ nội địa, đồng thời nhanh chóng nội địa hóa được mà nước ngoài chưa hoặc không chiếm lĩnh. Từ đó mới có chính sách cụ thể như thế nào, giao cho ai làm...

Nếu bàn chiến lược cho 20 năm tới thì nên xem xét lại những việc đó.

Hiện nay Trường Hải, Tổng Công ty VEAM, TMT, là các doanh nghiệp trong nước có khả năng làm và nên khuyến khích họ, nhưng khuyến khích như thế nào để tạo niềm tin cho doanh nghiệp như có sự hỗ trợ của Chính phủ, sức mua của người Việt Nam ủng hộ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có nói một câu: "Các nước người ta 50 triệu dân mà làm được ôtô, chúng ta 100 triệu dân thì phải làm thôi. Bản thân tôi cũng rất mừng, nhưng để chính sách đi vào cuộc sống thì thực thi của cấp quản lý, việc đưa ra chính sách như thế nào là rất quan trọng."


- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục