Vựa nhãn Sông Mã chủ động tìm đầu ra trong thời kỳ dịch bệnh

Sông Mã hiện có hơn 10.000ha cây ăn quả, sản lượng năm 2021 ước đạt khoảng 87.000 tấn; trong đó, diện tích nhãn gần 7.300ha, chiếm 72% tổng diện tích cây ăn quả, sản lượng năm 2021 ước đạt 70.000 tấn.
Nhãn Sông Mã. (Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)

Còn khoảng 2 tháng nữa vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh Sơn La tại huyện Sông Mã sẽ bước vào vụ thu hoạch 2021.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, vai trò của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong việc chủ động kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ được huyện Sông Mã đặt lên hàng đầu.

Gia đình ông Hoàng Văn Chép, bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, là một trong những hộ dân gắn bó với cây nhãn khá lâu đời ở huyện Sông Mã. Với hơn 2ha nhãn được trồng từ năm 1986 nhiều năm qua đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông.

Trong những năm gần đây, khi tham gia vào hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở địa phương, ông đã chuyển sang canh tác nhãn theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị và chất lượng quả nhãn.

Đến thời điểm này, còn gần 2 tháng nữa nhãn sẽ cho thu hoạch, đây được xem là giai đoạn quan trọng quyết định đến mẫu mã, chất lượng chất lượng của quả nhãn.

Vì vậy, những ngày gần đây ngoài việc thường xuyên tưới nước, ông Chép đã tập trung nhân công xới cỏ, bón phân hữu cơ cho vườn nhãn.

[Sơn La xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản theo từng kịch bản]

Ông Hoàng Văn Chép cho hay dù giá cả trong những năm gần đây không ổn định nhưng nhãn vẫn là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại cây khác như xoài, ngô, sắn. Vì vậy, những hộ trồng nhãn như gia đình ông luôn tìm cách để nâng cao năng suất và chất lượng của cây nhãn. Từ khi chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ đã cho thấy nhiều lợi ích so với chăm sóc vô cơ như quả nhãn to hơn, lượng đường nhiều. Đây là những đặc điểm được thương lái bán quả tươi và những người làm long nhãn rất ưa thích.

Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch COVID-19 đã khiến nhiều loại nông sản khác khó khăn trong việc tiêu thụ, ông vẫn tự tin vì với chất lượng quả nhãn trồng theo hướng hữu cơ sẽ được nhiều nơi thu mua.

Toàn huyện Sông Mã hiện có hơn 10.000ha cây ăn quả, sản lượng năm 2021 ước đạt khoảng 87.000 tấn; trong đó, diện tích nhãn gần 7.300ha, chiếm 72% tổng diện tích cây ăn quả, sản lượng năm 2021 ước đạt 70.000 tấn quả.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ các loại mặt hàng nông sản nói chung; trong đó có sản phẩm quả nhãn tươi được cho là sẽ khó khăn hơn so với các năm trước. Vì vậy các nhà vườn, hợp tác xã trồng nhãn cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án tiêu thụ quả nhãn tươi.

Ông Đào Ngọc Bằng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Chiềng Khoong, cho biết để chủ động trong vụ nhãn năm nay, hợp tác xã đã tìm hiểu, kết nối với các thương lái cũng như các cơ sở kinh doanh, buôn bán trong và ngoài tỉnh; trong đó, hợp tác xã hướng đến 3 kênh tiêu thụ chính, thứ nhất là tiếp tục duy trì tiêu thụ qua các siêu thị, chợ đầu mối trong nước; hai là phối hợp với các doanh nghiệp, thương lái xuất khẩu quả tơi; ba là làm long nhãn.

Còn tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, hiện có 10ha nhãn cho thu hoạch, sản lượng dự kiến năm 2021 là khoảng 200 tấn. Nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tiêu thụ nhãn sẽ gặp khó khăn, cơ sở này dự kiến đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng kho lạnh bảo quản nhãn.

Người dân xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã bón phân hữu cơ cho cây nhãn. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, thông tin năm ngoái và năm nay dịch COVID-19 xảy ra nên có những doanh nghiệp không còn thu mua nhãn nữa. Ngoài ra, một số siêu thị sản lượng thu mua đã giảm xuống còn 1/3 so với trước nên việc tiêu thụ nhãn khá khó khăn. Vì vậy, hợp tác xã đã xác định nếu không bán được quả nhãn tươi sẽ chế biến long nhãn để bán lâu dài. Với hệ thống kho lạnh chuẩn bị đầu tư, quả nhãn sau khi thu hoạch sẽ bảo quản được thêm 2 tháng, qua đó đáp ứng việc kéo dài thời vụ làm long nhãn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, huyện Sông Mã đã xây dựng hai phương án tiêu thụ sản phẩm nhãn.

Phương án thứ nhất, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ tiêu thụ, xuất khẩu 30% quả nhãn tươi, 70% làm long nhãn.

Còn phương án thứ hai thực hiện ngược lại với phương án 1. Hiện nay trên địa bàn huyện Sông Mã có gần 600 cơ sở, hộ gia đình chế biến long nhãn, một số gia đình đã áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Do đó, nếu việc tiêu thụ quả nhãn tươi thì các cơ sở này đủ sức đáp ứng việc thu mua toàn bộ số nhãn trên địa bàn để làm long nhãn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sông Mã, cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, huyện đã chú trọng thực hiện tuyên truyền, vận động các hợp tác xã và người trồng nhãn trên địa bàn tập trung đầu tư lò sấy long nhãn.

Đồng thời, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng thành phẩm và đổi mới bao bì nhãn mác, gắn với đó là quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm long nhãn.

Bên cạnh đó, hiện nay, huyện Sông Mã đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Sơn La thực hiện hỗ trợ 2 hợp tác xã xây dựng kho lạnh để bảo quản quả nhãn tươi khi vào vụ thu hoạch với giá trị 2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, thành lập hai làng nghề chuyên chế biến long nhãn phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục