Vựa lúa số 1 Việt Nam: Nguy cơ bị chìm vì ‘đói’ phù sa, lún nặng

Đồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ cao 1-2m so với mực nước biển, nếu tiếp tục khai thác cát và nước ngầm “tự do” như hiện nay thì đến năm 2100, nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm.
Sụt lún nền đất, khai thác nước ngầm quá mức đang diễn ra phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Chỉ trong vòng 25 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long từ vùng đất ổn định đã rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm tích, “đói” phù sa, gia tăng biên độ thủy triều, xâm nhập mặn, gây khan hiếm nguồn nước ngọt, sụt lún và xói lở đất nghiêm trọng.

Theo tiến sỹ Philip Minderhoud (Đại học Utrecht-Hà Lan), đây thực sự là một thông tin đáng báo động khi vùng đồng bằng vốn là nơi sinh sống của 18 triệu dân chỉ cao 1-2m so với mực nước biển. Và nếu khai thác cát, nước ngầm “tự do” như hiện nay thì đến năm 2100, nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm, nhiễm mặn cục bộ.

“Đói” phù sa, gia tăng thủy triều

Tiến sỹ Philip Minderhoud, người chủ trì nghiên cứu động thái tài nguyên nước dưới đất và xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún đồng bằng song Cửu Long (một nền tảng trong hợp tác đồng bằng giữa Việt Nam và Hà Lan) cho biết khu vực này hiện chỉ cao hơn 0,8m so với mực nước biển, thấp hơn gần 2m so với giả định trước đây.

Các chứng cứ khoa học do Đại sứ quán Hà Lan cung cấp cho báo chí trong ngày 24/10 cũng chứng minh rằng so với mực nước biển dâng 3-5mm/năm do biến đổi khí hậu, nhiều khu vực ven biển tốc độ sụt lún sẽ lên 20-30 mm/năm do khai thác nước ngầm, tải trọng hạ tầng đô thị và sự thoát nước của tầng ngập nước.

Sự gia tăng tốc độ sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn, lũ lụt và sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Minh chứng là trong 10 năm qua, biên độ thủy triểu ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tới 40% do các lòng sông sâu hơn trung bình 2-3m vì thiếu hụt trầm tích.

“Cùng là hai quốc gia ở vùng đồng bằng thấp, nhưng qua theo dõi cho thấy nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn cả Hà Lan,” tiến sỹ Minderhoud cho hay.

Theo tiến sỹ Minderhoud, nguyên nhân gây thiếu hụt trầm tích ở đồng bằng sông Cửu Long trước tiên là do hoạt động xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, cùng với hoạt động khai thác cát quy mô lớn ở hạ lưu đã làm tăng độ sâu của lòng sông do “đói” phù sa cũng như gây xói mòn hai bên bờ sông.

Bên cạnh đó, việc khai thác nước quá mức và xây dựng các công trình tại các vị trí xung yếu đã gây ra hiện tượng sụt lún. Hai nguyên nhân này cũng góp phần làm gia tăng triều cường. Chưa kể, sự thay đổi của thủy triều và độ sâu của các con sông cũng làm tăng thêm mức độ xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long.

[Bộ TN-MT ‘đốc thúc’ tiến độ lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia]

“Nghiên cứu cho thấy trước những năm 1990, đồng bằng sông Cửu Long dường như không có sự sụt lún, nhưng những năm gần đây tốc độ sụt lún đã tăng lên rõ rệt. Khi đứng bên bờ biển, chúng ta cứ ngỡ như nước biển đang dâng lên, nhưng thực ra là do nền đất của chúng ta đang thấp xuống,” tiến sỹ Minderhoud nói.

Vị chuyên gia đến từ Đại học Utrecht-Hà Lan cũng lưu ý rằng trong vòng 10 năm qua, nguồn nước tại các dòng sông đã bị suy giảm đáng kể, lòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long thấp xuống đã khiến thủy triều thay đổi nghiêm trọng hơn.

Theo tiến sỹ Minderhoud, biên độ thủy triều thay đổi bắt đầu từ năm 1996, nguyên nhân được nhận định là do biến đổi khí hậu, băng tan. “Nhưng trong vòng 10 năm gần đây, từ năm 2008 đến năm 2018, thủy triều tăng lên rõ rệt hơn, chắc chắn không thể đổ cho biến đối khí hậu, mà do các tác động của con người,” ông nhấn mạnh.

Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền tại tỉnh Đồng Tháp vẫn diễn biến phức tạp. (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Vắt kiệt” nước ngầm, tương lai trả giá đắt

Bên cạnh hiện tượng sụt lún, gia tăng biên độ thủy triều và xâm nhập mặn ở tầng nước mặn, theo tiến sỹ Minderhoud, vấn đề nước ngọt tầng ngầm ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị khai thác quá mức để phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Tại các khu vực ven biển, nước ngọt chủ yếu được khai thác từ tầng nước ngầm, đặc biệt là người nuôi tôm bơm nước ngầm để bù đắp cho sự bốc hơi nước. Hoạt động khai thác nước ngầm gia tăng dẫn đến sự suy giảm cấu trúc của trữ lượng tầng chứa nước, trong khi việc “nạp” lại nước cho tầng trữ nước rất ít khiến cho các tầng chứa nước bị nhiễm mặn.

“Với hiện trạng sụt lún, nhiễm mặn hiện nay, cứ 1m3 nước ngọt hút ra từ nước ngầm sẽ có 12m3 nước ngọt khác bị nhiễm mặn tự nhiên. Vì thế, nếu không kiểm soát, tôi nghĩ nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ kéo dài được 100 năm. Đáng lo hơn là việc khai thác nước ngầm sẽ tăng thêm mức độ lún,” vị chuyên gia dự báo.

[Đề xuất điều tra tổng thể sụt lún nền đất vùng đồng bằng sông Cửu Long]

Phân tích sâu hơn, chuyên gia Hà Lan cho biết nếu hoạt động khai thác nước ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì mức tăng 2% qua từng năm (ví dụ năm 2018 là 100m3, năm 2019 là 102m3), thì đến năm 2100, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm gần hết.

“Con số 2% trên chỉ là nhận định khiêm tốn thôi, thực chất mỗi năm nguồn nước ngầm khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên 2,5%. Nếu cứ hút như hiện nay, tương lai chính người dân vùng đồng bằng này sẽ phải trả giá đắt cho chi phí xử lý nguồn nước, bảo vệ quỹ đất cho nông nghiệp, sinh hoạt,” tiến sỹ Minderhoud nhấn mạnh.

Lời giải cho “bài toán” sụt lún

Trước thực trạng trên, tiến sỹ Philip Minderhoud cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải có kế hoạch hành đông khẩn cấp. Theo đó, bên cạnh yếu tố ngoại giao để giảm các tác động từ thượng nguồn sông Mekong, Chính phủ Việt Nam cần phải xử lý ngay nguyên nhân gốc rễ là khai thác nước ngầm và cát.

Ngoài ra, các biện pháp khác cũng được tiến sỹ Minderhoud khuyến nghị là củng cố và nâng cấp hệ thống chống lũ, tăng cường quy hoạch đô thị không gian để giữ nước; trồng rừng ngập mặn và xây dựng các công trình thủy lợi trên tổng thể cả vùng đồng bằng, không nên kè bờ ở mỗi vị trí bị sạt lở hay một đoạn bờ biển…

“Đây không chỉ là đề xuất bắt nguồn từ việc bảo vệ môi trường, mà nhìn xa hơn là lợi ích kinh tế-xã hội, an ninh nguồn nước cần phải bảo đảm. Bởi nếu không giải quyết từ bây giờ, về sau xử lý sẽ rất tốn kém,” tiến sỹ Minderhoud cảnh báo.

Góp thêm ý kiến, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam khẳng định đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng màu mỡ đang bị sụt lún, gia tăng biên độ thủy triều và thiếu hụt trầm tích. Đây là những hiện tượng cần phải được xem xét, đánh giá trong mối liên hệ với nhau. Điều này đòi hỏi sự phối hợp liên tổ chức và hợp tác đa lĩnh vực.

Ngoài ra, khai thác nước ngầm và khai thác cát, những tác nhân quan trọng do hoạt động của con người cũng cần được tính đến trong quy hoạch đồng bằng.

Với yêu cầu cấp thiếu nêu trên, Đại sứ Elsbeth Akkerman khuyến nghị Việt Nam cần phải hành động ngay từ bây giờ để tránh những khả năng nghiêm trọng hơn. Cùng là quốc gia ở vùng đồng bằng thấp và là đối tác lâu dài trong lĩnh vực nước, Hà Lan sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam theo hướng tiếp cận một cách có hệ thống, đa ngành và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó, Hà Lan có thể tiếp tục hỗ trợ cho các sáng kiến của Việt Nam trong việc triển khai quy hoạch mới, xây dựng cơ chế phối hợp, thiết kế quỹ đồng bằng và chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục