Chiều 27/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử 7 bị cáo có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và Học viện Quân y.
Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng đã truy tố.
Theo cáo trạng, năm 2020, Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á nghiên cứu kit test COVID với kinh phí gần 19 tỷ đồng của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu là tài sản do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhưng Học viện Quân y lại “đồng ý để Công ty Việt Á toàn quyền sử dụng."
Cụ thể, bị cáo Hồ Anh Sơn (cựu Thượng tá, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Y-Dược học Quân sự, Học viện Quân y) được giao là chủ nhiệm đề tài, đã đề nghị Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, khi đó là Phó Giám đốc Học viện Quân y, ký công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, đề nghị phát triển kit test.
Biết việc này, Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế-Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) yêu cầu Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng nghiên cứu vì Hùng quen biết Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á).
Hồ Anh Sơn đồng ý và soạn lại công văn mới đề xuất Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á nghiên cứu, phát triển kit test và Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý chấp thuận đề xuất này.
Phan Quốc Việt chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Việt) mang kit test đi thử nghiệm đánh giá. Kết quả thử nghiệm kit test do Thủy đưa đến có chất lượng tốt hơn sản phẩm của Học viện Quân y nên được đem đi thử nghiệm và được Bộ Y tế cấp số lưu hành tạm thời vào tháng 3/2020.
Để được cấp lưu hành chính thức, bị cáo Việt chỉ đạo cấp dưới soạn biên bản thể hiện Học viện Quân y đồng ý cho Công ty Việt Á được “toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu” và được in logo Học viện Quân y lên sản phẩm. Bộ Y tế chấp thuận cho Công ty Việt Á được lưu hành sản phẩm kit test chính thức.
Như vậy, sản phẩm được nghiên cứu bằng tiền Nhà nước, do Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ sở hữu bị chuyển thành sản phẩm của Công ty Việt Á, để doanh nghiệp này bán thương mại.
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt cảm ơn Trịnh Thanh Hùng bằng 350.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng) và đưa cho Hồ Anh Sơn 2,5 tỷ đồng tiền “hoa hồng."
Tại phiên tòa, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận bản thân đã không thực hiện đúng nội dung mà Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y. Bị cáo Việt mong Hội đồng Xét xử xem xét bối cảnh phạm tội lúc đó vì bị cáo cho rằng “không còn cách nào khác."
Về phần mình, bị cáo Hồ Anh Sơn thừa nhận sai phạm và khai mình đã triển khai đề tài nhưng không được như kỳ vọng nên đã thực hiện không chính xác như trong hợp đồng đã ký giữa các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ với Học viện Quân y. Bị cáo Sơn đồng ý chịu trách nhiệm về số tiền mà cáo trạng đã quy kết làm thất thoát của Nhà nước. Sơn cho rằng đã cùng 2 bị cáo Việt và Hùng coi đó là sản phẩm của Công ty Việt Á.
Liên quan đến việc giới thiệu doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO 13485, bị cáo Sơn khai rằng Hùng chỉ trao đổi qua điện thoại. Khi đề xuất đề tài, nhóm Học viện Quân y không thể tự tìm ra doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, khi Trịnh Thanh Hùng đề xuất Công ty Việt Á thì bị cáo đồng ý và đưa tên công ty này vào đề xuất.
Ngoài ra, bị cáo Sơn có nhắc tới cuộc gặp giữa 3 người (Sơn, Hùng, Việt) trao đổi trực tiếp tại quán càphê gần Bộ Khoa học và Công nghệ với nội dung chỉ mong sản xuất ra kit test nhanh nhất và chưa bao giờ bàn về lợi ích.
Đồng tình với ý kiến này, bị cáo Việt cũng khẳng định không bàn tới vấn đề lợi ích vì cả Công ty Việt Á và Học viện Quân y đều chỉ nghĩ sản xuất 20.000 kit test là sẽ dừng vì nghĩ dịch sẽ không quá kéo dài.
Khai tại tòa, bị cáo Trịnh Thanh Hùng cho biết nội dung trao đổi giữa bị cáo và Việt chỉ là động viên, thuyết phục Phan Quốc Việt tham gia đề tài này trong thời gian nhanh nhất với mục đích phòng, chống dịch.
Liên quan đến nội dung trao đổi với bị cáo Sơn, bị cáo Hùng cho biết khi đó cần tìm doanh nghiệp có Chứng chỉ ISO 13485 đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, Sơn nói không biết doanh nghiệp nào đáp ứng thì lúc đó có giới thiệu Công ty Việt Á.
Là đơn vị quản lý nhiệm vụ đề tài, bị cáo Hùng nói rõ cả đơn vị và bị cáo không có tác động tới kết quả đề tài. Theo quy định, người có quyền lựa chọn sản phẩm mẫu để nghiệm thu là cơ quan chủ trì và đơn vị phối hợp thực hiện, là Học viện Quân y và Công ty Việt Á.
Có mặt tại phiên tòa với tư cách là bị hại trong vụ án, đại diện Học viện Quân y đã đề nghị Hội đồng Xét xử căn cứ vào thành tích trong công tác của 4 bị cáo từng là cán bộ của Học viện để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ bởi nhiệm vụ phòng, chống dịch khi đó cần thực hiện gấp nên họ cũng không được tập huấn nghiệp vụ về việc này, quá trình triển khai cũng gấp gáp nên đã để xảy ra sai phạm./.
Vụ Việt Á: Tòa án Quân sự Trung ương xét xử nhóm cựu sỹ quan Học viện Quân y
Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trịnh Thanh Hùng là người khởi xướng, giữ vai trò, trách nhiệm chính trong vụ án, phải chịu trách nhiệm với tổng thiệt hại của Đề tài là gần 18,5 tỷ đồng.