Vụ vệ tinh do thám: Hàn Quốc "lấy làm tiếc về thái độ của Triều Tiên"

Trả lời họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho hay: "Thái độ của Triều Tiên, ngày càng xa rời các chuẩn mực quốc tế và lẽ thường, là rất đáng thất vọng."
Hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đăng phát ngày 1/6/2023 về vụ phóng tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 tại bãi phóng Tongchang-ri (Triều Tiên). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Hàn Quốc ngày 5/6 bày tỏ lấy làm tiếc về việc Triều Tiên "đe dọa" sẽ không thông báo trước cho Cơ quan An toàn Hàng hải Quốc tế khi phóng vệ tinh do thám quân sự trong tương lai.

Theo Yonhap, trả lời họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byoung-sam cho hay: "Thái độ của Triều Tiên, ngày càng xa rời các chuẩn mực quốc tế và lẽ thường, là rất đáng thất vọng."

Ông Koo Byoung-sam cho biết thái độ như vậy chỉ càng khiến Bình Nhưỡng cô lập hơn với cộng đồng quốc tế, ông kêu gọi Triều Tiên chọn con đường "đúng đắn" cho tương lai.

Triều Tiên hôm 4/6 lên án Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) vì đã thông qua một nghị quyết lên án vụ phóng tên lửa của họ - vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh do thám quân sự đã thất bại vào tuần trước.

Trước vụ phóng tuần trước, Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản và IMO về kế hoạch phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.

Hôm 2/6, Triều Tiên cũng chỉ trích lãnh đạo của Liên hợp quốc và NATO, cho rằng những lời chỉ trích của họ đối với vụ phóng vệ tinh do thám của Bình Nhưỡng là can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Động thái này diễn ra nhằm đáp lại những bình luận Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg lên án nỗ lực phóng tên lửa này là vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

[Vụ vệ tinh do thám: Hàn Quốc "lấy làm tiếc về thái độ của Triều Tiên"]

Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói rằng những phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc vi phạm "quyền chủ quyền" của một quốc gia thành viên trong một động thái "không công bằng.”

Quan chức Triều Tiên cho biết nước này sẽ tiếp tục thực hiện các quyền chủ quyền, bao gồm cả việc phóng vệ tinh do thám quân sự, để chứng minh rằng “Liên hợp quốc không thuộc về Mỹ.”

Ngày 1/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết một nhà ngoại giao cấp cao của nước này đã gọi vụ phóng vệ tinh gần đây của Triều Tiên là một sự việc nghiêm trọng mà Bình Nhưỡng đã lợi dụng công nghệ để vi phạm các quy tắc toàn cầu và làm xói mòn trật tự quốc tế.

Tại một hội nghị an ninh liên quan công nghệ mới tổ chức tại Áo hôm 31/5, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc về các vấn đề đa phương và toàn cầu, ông Park Yong-min, nhấn mạnh rằng nỗ lực thất bại của Triều Tiên trong vụ phóng vệ tinh do thám quân sự đã "vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" đối với Bình Nhưỡng.

Cùng ngày 1/6, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng lại vệ tinh trinh sát quân sự.

KCNA dẫn lời bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho biết vệ tinh sẽ được phóng vào quỹ đạo vũ trụ “trong tương lai gần và khởi động sứ mệnh của mình.”

Vật thể được cho là một phần "vệ tinh trinh sát quân sự" của Triều Tiên được vớt lên từ Hoàng Hải, ngày 31/5/2023, trong bức ảnh do Hội đồng Tham mưu Liên quân Hàn Quốc cung cấp). (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Bà Kim Yo-jong, Phó Trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, nhấn mạnh nếu vụ phóng của Bình Nhưỡng bị chỉ trích, thì Mỹ và tất cả các quốc gia “đã từng phóng hàng nghìn vệ tinh” cũng cần phải bị lên án.

Theo KCNA, vào lúc 6h27 sáng 31/5, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia của Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1 tại Bãi phóng vệ tinh Sohae ở tỉnh Bắc Phyongan theo kế hoạch đã định.

Tuy nhiên, tên lửa đẩy mang vệ tinh mới Cheollima-1 đã rơi xuống vùng biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên sau khi “bị mất động lực do sự cố khởi động bất thường của động cơ hai tầng trong lúc đang bay một cách bình thường.”

Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia của Triều Tiên cho rằng nguyên nhân vụ phóng vệ tinh thất bại là vì độ ổn định thấp của hệ thống động cơ kiểu mới được áp dụng cho tên lửa đẩy Cheollima-1 và đặc tính không ổn định của nhiên liệu được sử dụng.

Giới quan sát nhận định Triều Tiên dường như đang nỗ lực tăng cường năng lực giám sát tình báo và trinh sát - được xem là một phần của những dự án quốc phòng quan trọng được công bố tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hồi đầu năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục