Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân

Trong phạm vi vụ án đang xét xử, Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.”

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 30/9/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 30/9/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 4/10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần luận tội của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị mức án chung thân.

Trong phạm vi vụ án đang xét xử, Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.”

Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2018, Ngân hàng SCB đang ở trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài.

Trước tình hình trên, Trương Mỹ Lan chủ trì họp bàn với các bị cáo là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt (Công ty chứng khoán Tân Việt) nhằm chọn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.

Thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, các nhân sự chủ chốt tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt chọn 4 công ty thuộc Tập đoàn để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản đảm bảo, với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu rồi chào bán bất hợp pháp, huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư, thu về hàng chục nghìn tỷ đồng.

Số tiền trên không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu mà bị Lan và đồng phạm sử dụng vào các mục đích khác như trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Tính đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.

Ngoài ra, cáo trạng cũng xác định trong 10 năm từ năm 2012 đến 2022, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty (12 công ty tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài) để chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong số đó, 21 công ty đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định (tổng cộng 1,5 tỷ USD - khoảng 35.360 tỷ đồng) và thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về (tổng 3 tỷ USD, tương đương 71.360 tỷ đồng).

TTXVN_0410 Truong My Lan 2.jpeg
Các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 ngày 30/9/2024. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tổng số tiền Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng).

Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn bị cáo buộc tội “Rửa tiền” từ nguồn tiền tham ô tài sản của Ngân hàng SCB, với số tiền 445.747 tỷ đồng.

Để che giấu nguồn gốc tiền và hợp thức số tiền đã “rút ruột” của Ngân hàng SCB, bị cáo đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn “rửa” tiền bằng cách rút tiền ra rồi chuyển lòng vòng vào hàng trăm tài khoản cá nhân và pháp nhân để sử dụng theo chỉ đạo của Lan.

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, hành vi của các bị cáo trong vụ án làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây hoang mang, mất niềm tin của người dân trong và ngoài nước.

Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, diễn ra thời gian dài, xuyên suốt, hành vi của bị cáo này là tiền đề giúp bị cáo khác thực hiện vai trò phạm tội. Hậu quả mà các bị cáo gây ra là đặc biệt lớn.

Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trương Mỹ Lan là người chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các pháp nhân thuộc Tập đoàn; là người đưa ra chủ trương và chỉ đạo phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong quá trình xét hỏi, bị cáo Lan cho rằng mình không phải là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu, nhưng Viện Kiểm sát xác định lời khai này không có căn cứ.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát cáo buộc Lan đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều sai phạm.

Từ luận điểm trên, Viện Kiểm sát kết luận ở cả ba tội danh bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Các bị cáo còn lại chỉ đóng vai trò giúp sức cho Lan. Trong đó, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) là người tiếp nhận chủ trương từ Trương Mỹ Lan, chỉ đạo cấp dưới chạy dòng tiền “khống”, phát hành trái phiếu trái quy định pháp luật.

Bị cáo Ngô Thanh Nhã (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty An Đông, em dâu Trương Mỹ Lan) đã ký hợp đồng để Công ty An Đông phát hành trái phiếu giá trị gần 25.000 tỷ đồng trái quy định pháp luật.

Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên và phạm tội với thủ đoạn tinh vi. Mặt khác, Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trương Mỹ Lan cùng một số bị cáo khác vì có nhiều hoạt động từ thiện cho xã hội như thành khẩn khai báo, tích cực tham gia phòng, chống COVID-19.

Riêng bị cáo Trương Mỹ Lan đã trên 60 tuổi, đồng ý dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy vậy, trong vụ án này hậu quả do Lan và đồng phạm gây ra đặc biệt lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự xã hội nên cần phải có mức án tương xứng.

Từ những phân tích trên, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12-13 năm tù giam về tội “Rửa tiền”, 8-9 năm tù giam về tội "Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới."

Tổng hợp hình phạt Trương Mỹ Lan bị đề nghị là tù chung thân.

Liên quan vụ án, bị cáo Trương Huệ Vân, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị 6-7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Bị cáo Ngô Thanh Nhã bị đề nghị 7-8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Bị cáo Chu Lập Cơ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án 24-30 tháng tù về tội “Rửa tiền.” Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù đến 27 năm tù./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục