Cựu đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên, ông Joseph Yun ngày 14/10 nhận định, vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Bình Nhưỡng đã làm tiêu tan cơ hội đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Washington tại Thụy Điển hồi đầu tháng.
Ông Joseph Yun, người vẫn giữ chức vụ đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên cho tới đầu năm ngoái, đã đưa ra phát biểu trên tại một hội nghị chuyên đề do Viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học George Washington chủ trì, sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều cấp chuyên viên mới đây sụp đổ tại Stockholm hôm 5/10.
Theo ông Yun, việc phóng một SLBM chỉ 3 ngày trước khi diễn ra các cuộc gặp là một trong 2 "sai lầm" của Triều Tiên trước thềm đàm phán. Ông Yun đánh giá: "Phái đoàn Mỹ tới đó vì phía Mỹ đã nhiều lần công khai yêu cầu tổ chức cuộc gặp. Để tới đó đã đủ tồi tệ...sau khi (Bình Nhưỡng) thể hiện sức mạnh qua vụ phóng SLBM. Nhưng để tới đó rồi trở về với một vài đề nghị mờ nhạt sẽ không có lợi gì cho họ."
[Đối thoại Mỹ-Triều là quá trình 'thiết lập mới' quan hệ song phương]
Ông Joseph Yun nhận định, sai lầm thứ hai của Triều Tiên là nghĩ rằng sự ra đi hồi tháng trước của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton mang quan điểm diều hâu ra khỏi chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ giúp Washington có giọng điệu mềm mỏng hơn về phi hạt nhân hóa.
Ông Yun khẳng định: "Đây quả là một Triều Tiên điển hình. Tôi nghĩ họ muốn được công nhận vì đã làm cho ông John Bolton bị sa thải, song John Bolton bị sa thải vì nhiều lý do-và có lẽ điều quan trọng nhất là Tổng thống Trump không thích ông ta". Theo ông Yun, Tổng thống Trump và Bolton bất đồng về Iran, Taliban, Afghanistan, và "có thể một ít về Triều Tiên," song rõ ràng, "John Bolton ra đi không có nghĩa là lập trường của Mỹ đã thay đổi hoàn toàn."
Ông Yun cho rằng một thỏa thuận tạm thời có thể khả thi trong vòng 6-12 tháng tới, điều này sẽ mở đường cho một Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thỏa thuận này có thể bao gồm đề nghị của Triều Tiên dỡ bỏ cơ sở hạt nhân chính Yongbyon, đi kèm với các biện pháp phi hạt nhân hóa khác như đóng băng các hoạt động thử và sản xuất vật liệu hạt nhân.
Về phía Mỹ, thỏa thuận có thể bao gồm dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt, hỗ trợ nhân đạo và một tuyên bố chính trị chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cùng với các biện pháp khác. Ngoài ra, ông Yun cũng gợi ý Tổng thống Trump sẽ bằng lòng với hiện trạng miễn là Triều Tiên không vượt quá 2 "giới hạn đỏ" - thử hạt nhân và thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Một trong hai hoạt động này đều có thể dẫn tới "những hậu quả nghiêm trọng"./.