Vụ Trầm Bê: Kháng nghị tăng án và liên đới bồi thường 320 tỷ đồng

Viện kiểm sát phân tích, mức án mà Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt đối với các bị cáo trên chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội và mức án đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa.
Bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam). (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 13/8, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã ban hành kháng nghị (số 36/QĐ-VKS-P3, ký ngày 12/8/2020) đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam - Southernbank (nay đã sát nhập vào Ngân hàng Sacombank).

Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Trầm Bê (đang thụ án 4 năm tù trong vụ án VNCB giai đoạn 2, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank), Phan Huy Khang (đang thụ án 3 năm tù trong vụ án VNCB giai đoạn 2, nguyên Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Phương Nam; nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank) và các đồng phạm trong tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tăng hình phạt và không cho hưởng án treo đối với bị cáo Trầm Viết Trung (nguyên Giám đốc Trung tâm xét duyệt tín dụng, ủy viên Hội đồng tín dụng Ngân hàng Phương Nam).

Viện kiểm sát phân tích, mức án mà Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt đối với các bị cáo trên chưa tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội và mức án đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa.

[Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng]

Viện kiểm sát khẳng định, các bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang là những người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, không phải đồng phạm giúp sức.

Việc Tòa án tuyên mức án các bị cáo này trong khung hình phạt tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999, dưới khung liền kề là không đúng quy định.

Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Phương Nam). (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Về bị cáo Trầm Viết Trung, Viện kiểm sát cho rằng bị cáo này phạm tội với lỗi cố ý phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả thiệt hại gần 128 tỉ đồng, thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên không thể cho hưởng án treo. Quá trình điều tra, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nên việc toà cho hưởng án treo là không có căn cứ.

Về mặt dân sự, Viện kiểm sát đề nghị Tòa buộc các bị cáo là nhóm cán bộ ngân hàng phải liên đới cùng với Dương Thanh Cường bồi thường thiệt hại cho ngân hàng trong vụ án. Cụ thể, buộc Cường phải trả 185 tỷ đồng đã chiếm đoạt và 9 bị cáo còn lại liên đới bồi thường 320 tỷ đồng cho ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), tổng cộng là 505 tỷ đồng.

Trước đó chiều 30/7, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Dương Thanh Cường (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thanh Phát) 16 năm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Phương Nam, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trầm Bê 3 năm tù; 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999. 7 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án thấp nhất là 1 năm tù treo đến cao nhất là 2 năm tù giam, cùng về tội danh trên.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc Dương Thanh Cường phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại vụ án là 505 tỷ đồng.

Dương Thanh Cường đã lấy 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 để lập hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Phương Nam. Qua đó, Dương Thanh Cường đã chiếm đoạt hơn 185 tỷ đồng của Ngân hàng Phương Nam, gây thiệt hại tổng cộng 505 tỷ đồng cho ngân hàng này tính đến ngày 5/1/2010.

Bị cáo Trầm Bê và các đồng phạm biết rõ công ty của Cường không đủ điều kiện vay tiền nhưng vẫn đề xuất cho vay, phê duyệt cho vay hồ sơ vay tiền của công ty, dù tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dương Thanh Cường đang được thế chấp cho khoản vay khác ở Ngân hàng Agribank./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục