Theo trang mạng cnn.com, nhiều năm qua, bức Tường lửa Vĩ đại của Trung Quốc đã chặn một số dịch vụ trực tuyến lớn nhất của Mỹ, bao gồm Google, Facebook và Twitter.
Tháng 8/2020, Washington đã cho thấy rằng chính quyền nước này có thể sẵn sàng xây dựng một bức tường lửa của riêng mình bằng cách đe dọa cấm hai ứng dụng của Trung Quốc phổ biến nhất trên thế giới là TikTok và WeChat.
Theo nội dung các sắc lệnh hành pháp ngày 7/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho hai ứng dụng này có 45 ngày để tìm một công ty của Mỹ mua lại. Tổng thống Trump tuyên bố rằng các ứng dụng này mang lại rủi ro đối với an ninh quốc gia, đồng thời viện dẫn các quan ngại về quyền riêng tư và kiểm duyệt dữ liệu.
Ứng dụng TikTok của công ty ByteDance đã được Tập đoàn Microsoft đàm phán để mua lại, một giải pháp có thể giúp tránh một lệnh cấm toàn diện của chính quyền Mỹ, mặc dù Trung Quốc không còn là chủ sở hữu của ứng dụng này tại Mỹ nữa.
Tuy nhiên, ứng dụng WeChat của hãng Tencent ít phổ biến hơn ở Mỹ so với ở Trung Quốc, và việc sử dụng ứng dụng này tại Mỹ thời gian tới có thể sẽ bị hạn chế đáng kể.
Do lệnh cấm của Tổng thống Trump có nội dung không rõ ràng, một số nhà phân tích cũng nghi ngờ rằng lệnh cấm có thể có tác động nghiêm trọng tiềm tàng đối với người dân và doanh nghiệp Mỹ sử dụng ứng dụng này ở Trung Quốc.
Động thái của Tổng thống Trump có nguy cơ làm rạn nứt thêm mạng Internet toàn cầu, làm đảo lộn các gia đình và cộng đồng mạng, đồng thời làm gián đoạn dòng vốn đầu tư và đổi mới công nghệ ở cả hai quốc gia, mà không đưa ra một bộ chính sách để đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng phổ biến, bất kể là của Trung Quốc hay của Mỹ, đều phải bảo đảm quyền riêng tư và bảo mật của người dùng.
[Trung Quốc lên tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ đối với TikTok]
Susan Ariel Aaronson, chuyên gia về quản trị mạng tại trường Đại học George Washington, nhận định: “Không thể lấy việc làm suy yếu luồng thông tin tự do - là nền tảng của Internet - để giải quyết vấn đề. Điều khiến tôi lo lắng là Mỹ đang bắt chước Trung Quốc trong việc tìm cách chặn các ứng dụng.”
Hai ứng dụng mà ông Trump tấn công cũng đặt ra những thách thức riêng biệt, làm cho vấn đề trở nên khó giải quyết hơn. Tencent từ lâu đã phải đối mặt với những cáo buộc về kiểm duyệt nội dung và giám sát người dùng, biến WeChat trở thành đối tượng của các mối lo ngại về quyền tự do và riêng tư mà các ứng dụng của Trung Quốc thường bị chỉ trích.
Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn ứng dụng này ra khỏi nước Mỹ sẽ gây ra thiệt hại đối với cả người dùng Mỹ và người dùng Trung Quốc. Đối với TikTok, các vấn đề về quyền riêng tư còn nghiêm trọng hơn, do ứng dụng này có vẻ như không khác nhiều so với các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ.
Hành xử của chính quyền Mỹ đối với ứng dụng này cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu Washington có thể tin tưởng vào một ứng dụng Trung Quốc với quy mô lớn như vậy hay không.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump dường như đang thực hiện theo kiểu dập khuôn đối với tất cả các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu, theo cách không chỉ có thể gây ra sự xáo trộn các vấn đề với nhau, mà còn có khả năng làm tổn hại tới lý do ban đầu để chính quyền Mỹ đưa ra lệnh cấm.
WeChat và TikTok là hai ứng dụng mạng xã hội với hàng triệu người dùng trên toàn thế giới do các công ty có trụ sở chính ở Trung Quốc sở hữu. Tuy nhiên hai ứng dụng này có lịch sử hình thành và lĩnh vực hoạt động khác nhau. TikTok là một ứng dụng được các thanh thiếu niên sử dụng để chia sẻ các video ngờ nghệch.
Vì vậy, việc coi ứng dụng này là mối đe dọa về an ninh quốc gia có vẻ như rất kỳ lạ đối với một số nhà quan sát. James Lewis, một chuyên gia về chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế khẳng định: “Không có thông tin nào thu được từ TikTok có thể hữu ích cho tình báo Trung Quốc.”
Tuy nhiên, ông Trump đã cáo buộc ứng dụng này thu thập “một lượng lớn thông tin từ người dùng,” chẳng hạn như dữ liệu vị trí, lịch sử duyệt và tìm kiếm, tạo điều kiện cho Trung Quốc có thể truy cập vào thông tin cá nhân và tài sản của người Mỹ; có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và nhà thầu liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp doanh nghiệp.”
TikTok đã phủ nhận rằng họ sẽ chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh, và khẳng định rằng dữ liệu người dùng Mỹ sẽ không được lưu trữ ở Trung Quốc. TikTok cũng đã đẩy lùi được nhiều cáo buộc khác, bao gồm các tuyên bố gần đây đăng trên tờ Tạp chí Phố Wall rằng ứng dụng này đã bỏ qua các biện pháp bảo vệ trên hệ điều hành Android để thu thập dữ liệu người dùng. Ít nhất là trên lý thuyết, TikTok không thu thập dữ liệu nhiều hơn đáng kể so với các đối thủ như Facebook và Google, những công ty thu thập thông tin người dùng để phục vụ cho quảng cáo.
Trên thực tế, ứng dụng này có thể thu thập ít thông tin hơn, do người dùng tải lên ít thông tin cá nhân hơn so với các nền tảng mạng xã hội khác. Trong khi đó, mức độ mà WeChat thu thập thông tin từ lâu đã làm dấy lên những lo ngại về an ninh, cũng như lo ngại về mối quan hệ gần gũi giữa Tencent và Trung Quốc.
Chẳng hạn, các chuyên gia an ninh mạng trong cộng đồng người Tây Tạng lưu vong ở Dharamsala đã chỉ ra sự phổ biến của WeChat là một lý do dẫn đến suy giảm các cuộc tấn công mạng nhằm vào cách thành viên của họ trong những năm gần đây.
Lobsang Gyatso Sither, một chuyên gia an ninh mạng người Tây Tạng, từng nói: “Bởi vì WeChat đã gắn liền với cộng đồng dưới một số góc độ, tôi không nghĩ rằng họ cần phải xâm nhập vào hệ thống như trước đây vì thông tin đó đã được WeChat cung cấp cho họ.”
Chủ sở hữu của WeChat là công ty Tencent đã liên tục phủ nhận ứng dụng này theo dõi người dùng. Tuy nhiên, trong quá khứ, các công tố viên Trung Quốc đã từng viện dẫn bằng chứng thu được từ ứng dụng này để chống lại người Hồi giáo, người bất đồng chính kiến, bao gồm các tin nhắn được cho là đã bị xóa.
Luật an ninh mạng Trung Quốc trao cho Chính phủ Trung Quốc quyền hạn rộng rãi trong việc yêu cầu cung cấp dữ liệu từ các công ty như Tencent, công ty cũng có thể phải đối mặt với áp lực chính trị buộc phải cũng cấp thông tin trong các trường hợp nhạy cảm.
Trung Quốc đã đáp trả quyết định của Washington về việc cấm các ứng dụng này tại Mỹ. Trong một loạt dòng tweet đăng tải ngày 12/8, bà Hoa Xuân Oánh - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đã chỉ trích Mỹ đang gây “chia rẽ mạng Internet” và sử dụng “logic xã hội đen” để ép buộc bán TikTok. Bà cũng nêu bật các hoạt động giám sát tồi tệ của chính quyền Mỹ.
Bà Hoa Xuân Oánh không đơn độc trong việc đưa ra các chỉ trích như vậy đối với Mỹ. Chẳng hạn, tháng trước, Tòa án Công lý Châu Âu đã ra phán quyết chống lại kế hoạch chia sẻ dữ liệu giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vì lo ngại rằng dữ liệu do phía EU chia sẻ có thể không được bảo vệ đầy đủ trước sự giám sát của Mỹ.
Các cáo buộc đạo đức giả không có nghĩa là Washington nên mù quáng trước những mối đe dọa tiềm tàng gây ra bởi các ứng dụng của Trung Quốc, hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác, liên quan đến bảo mật dữ liệu và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, cả hai vấn đề này đều có thể được bảo vệ mà không nhất thiết phải cấm hoặc chặn các dịch vụ nước ngoài.
Bà Sacks khẳng định: “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hệ thống các ứng dụng trở nên an toàn hơn về tổng thể? Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho việc xây dựng luật pháp và tiêu chuẩn, để hình thành một bộ tiêu chí đáng tin cậy cho tất cả các ứng dụng. Khi đó, dù là TikTok hay một ứng dụng xem thời tiết ngẫu nhiên nào đó, trước khi được phép hoạt động, phải trải qua quá trình kiểm tra, phê duyệt theo các quy trình an ninh mạng nghiêm ngặt hơn.”
Một cách tiếp cận tương tự có thể được thực hiện đối với vấn đề kiểm duyệt nội dung, với các tiêu chuẩn được đặt ra về cách thức các ứng dụng cần phải làm bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dùng và tránh để họ tiếp xúc với thông tin sai lệch.
Bà Sacks cho rằng “đã đến lúc nước Mỹ cần có tầm nhìn riêng về quản trị Internet. Chúng ta cần có cách quản lý hữu hiệu một lượng lớn dữ liệu được thu thập trên các ứng dụng mạng xã hội”./.