Vụ thủy điện gây ngập ở Kon Tum: 13 hộ dân chưa đồng ý mức đền bù

Các hộ dân không nhận hỗ trợ vì cho rằng số tiền này không đủ để đền bù những thiệt hại về mặt tinh thần và vật chất mà gia đình phải chịu do ảnh hưởng của các thủy điện.
Diện tích càphê của ông Huỳnh Quang Hải, trú thôn Đăk Wét, xã Đăk Pxi không thể cho thu hoạch hoặc năng suất rất thấp vì bị ngập lụt mỗi khi Thủy điện Đăk Psi 5 xả lũ. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Ngày 8/9, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, công tác đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hai thủy điện Đăk Psi 5 và Đắk Psi bậc 1, bậc 2 đã được các chủ đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn còn 13 hộ dân chưa đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ. Sở đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận hỗ trợ theo quy định.

Cụ thể, ông Lê Văn Quang cho biết, sau khi có yêu cầu của Sở Công Thương, chủ đầu tư của hai công trình thủy điện trên là Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi đã tiến hành lập danh sách, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo tỷ lệ 6:4.

Mức hỗ trợ được hai đơn vị thực hiện theo quy định về giá hỗ trợ, bồi thường của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Riêng đối với 13 hộ chưa đồng ý nhận hỗ trợ, các đơn vị chủ đầu tư thủy điện đã nhiều lần mời đến làm việc song các hộ dân này không hợp tác.

[Vụ thủy điện gây ngập 62 hộ dân ở Kon Tum: Sở Công Thương sẽ vào cuộc]

Sở Công Thương tỉnh đã đề nghị hai đơn vị phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đăk Hà và Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi tiếp tục tuyên truyền về chính sách hỗ trợ, đền bù để các hộ dân nhận tiền hỗ trợ theo quy định.

Ông Võ Hữu Thành, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (một trong 13 hộ dân chưa đồng ý với mức chi trả hỗ trợ) cho biết theo thông báo từ các chủ đầu tư hai công trình thủy điện, số tiền gia đình ông được nhận hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng.

Ông không nhận hỗ trợ vì cho rằng số tiền này không đủ để đền bù những thiệt hại về mặt tinh thần và vật chất mà gia đình phải chịu do ảnh hưởng của các thủy điện.

Từ năm 2013 đến nay, đã có ít nhất 4 lần thủy điện xả lũ gây ngập sâu cho nhà ông. Chỉ tính riêng thiệt hại về tiền hàng hóa nhập về bán đã khoảng 700-800 triệu đồng, chưa kể đến tiền sửa nhà. Vì vậy, ông không nhận số tiền trên do mức hỗ trợ không thỏa đáng.

Trong khi đó, theo ông Phan Văn Học, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi, tại buổi họp về mức đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi hai thủy điện, Sở Công Thương, hai đơn vị chủ đầu tư và Ủy ban nhân dân xã đã thống nhất về mức đền bù, hỗ trợ theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Dự kiến trong tuần này, Ủy ban nhân dân xã tiếp tục mời các hộ dân lên để tuyên truyền, vận động nhận mức hỗ trợ do các đơn vị chủ đầu tư thủy điện đưa ra. Việc đền bù, hỗ trợ cần có sự hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 5 cũng cho hay, hiện nay, đơn vị chủ đầu tư thủy điện này đã chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ngập lụt với số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng.

Đối với 13 hộ dân chưa đồng ý mức hỗ trợ, đa số đều muốn số tiền bồi thường gấp ít nhất ba lần so với mức tiền Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai đưa ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Như phóng viên TTXVN đã đưa tin, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 năm 2020, 62 hộ dân sinh sống ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đăk Psi 5 đã bị ảnh hưởng, nước ngập sâu, có nơi gần 2m, gây nhiều thiệt hại cho tài sản, hoa màu của người dân.

Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã xác định trách nhiệm thuộc về hai đơn vị là Công ty Cổ phần Đức Thành Gia Lai và Công ty Cổ phần thủy điện Đức Nhân-Đăk Psi. Vì vậy, hai đơn vị này phải thống nhất phương án cùng hỗ trợ, đền bù cho người dân bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục