"Vụ tấn công tại Benghazi được lên kế hoạch trước"

Theo cộng đồng tình báo Mỹ, vụ tấn công làm đại sứ Mỹ thiệt mạng là một hành động khủng bố có chủ ý, đã được lên kế hoạch trước.
Ngày 28/9, người đứng đầu văn phòng Cục Tình báo quốc gia Mỹ (DNI) James Clapper tuyên bố vụ tấn công tại thành phố Benghazi của Libya ngày 11/9 làm Đại sứ Mỹ Chistopher Stevens và ba nhân viên ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng là một hành động khủng bố có chủ ý, đã được lên kế hoạch trước.

Đây là một tuyên bố bất ngờ vì trước đó giới chức tình báo Mỹ vẫn cho rằng vụ tấn công tình cờ xảy ra đúng vào ngày 11/9, thời điểm xảy ra thảm kịch khủng bố tại Mỹ cách đây 11 năm, nằm trong làn sóng biểu tình tại các nước Hồi giáo phản đối bộ phim do một công dân Mỹ gốc Ai Cập sản xuất bị chỉ trích là xúc phạm đạo Hồi.

Ông Clapper xác nhận giới chức tình báo Mỹ đã thay đổi nhận định ban đầu sau khi nhận được những thông tin mới cho thấy vụ tấn công đã được các phần tử cực đoan lên kế hoạch trước. Washington cho rằng các tay súng thực hiện vụ tấn công có mối liên hệ với các nhóm vũ trang hoặc trung thành với Al-Qaeda. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hiện vẫn chưa xác định được các cá nhân hay nhóm vũ trang nào đã chỉ đạo vụ khủng bố này.

[Libya sa thải lãnh đạo an ninh sau vụ giết đại sứ Mỹ]

Trước đó, chỉ vài giờ sau khi vụ khủng bố xảy ra, một số nguồn tin chính phủ cho rằng vụ tấn công đã được lên kế hoạch trước và cáo buộc các tay súng của hai nhóm Ansar al Shariah và chi nhánh Bắc Phi của Al-Qaeda có thế là thủ phạm.

Tuy nhiên, sau đó, trong các thông báo công khai, giới chức Mỹ đã rút lại nhận định trên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy vụ tấn công đã được lên kếh hoạch trước.

Tiếp đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc khẳng định vụ tấn công không được lên kế hoạch trước và nằm trong làn sóng bài Mỹ đang xảy ra tại các nước Hồi giáo liên quan đến bộ phim. Tuy nhiên, trong vài ngày trở lại đây, giới chức Mỹ khẳng định có những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy đó là một vụ tấn công khủng bố nhằm vào sứ quán Mỹ.

Liên quan đến tình hình an ninh tại Libya, Tổng thống Mohamed el-Megarif cho biết chính phủ đã giải tán 10 nhóm vũ trang, đồng thời cam kết tiếp tục hành động để đối phó với các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Nguồn tin từ Libya cho biết chính phủ đã thành lập lực lượng can thiệp nhanh để giải tán các nhóm vũ trang, đồng thời tiếp quản việc kiểm soát tài sản của những nhóm này.

Trước đó, các quan chức nói rằng chính phủ giải tán các nhóm vũ trang bất hợp pháp trong khi sẽ công nhận các nhóm thân chính phủ. Tuy nhiên, động thái này đang vấp phải làn sóng phản đối tại Libya.

Hàng trăm người Libya ngày 28/6 đã biểu tình đòi chính phủ giải tán toàn bộ các nhóm vũ trang, sáp nhập các thành viên của họ vào quân đội với tư cách cá nhân và phản đối việc hợp pháp hóa các nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục