Khoảng 70.000 USD là số tiền mà nhiều nạn nhân của vụ tấn công bằng mã độc trên phạm vi toàn cầu đã phải trả cho các tin tặc.
Thông tin trên đã được Cố vấn An ninh nội địa Nhà Trắng Tom Bossert đưa ra trong một buổi họp báo. Ông Bossert cho biết hiện vẫn chưa ghi nhận việc khôi phục dữ liệu từ bất kỳ hành động trả tiền chuộc nào.
Theo quan chức này, vụ tấn công mạng do mã độc WannaCry gây ra đã ảnh hưởng đến hơn 300.000 máy tại 150 nước, song tốc độ lây nhiễm đã có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý là không có hệ thống máy tính liên bang nào của Mỹ bị ảnh hưởng.
Ông Bossert cho biết vụ tấn công này có 3 biến thể, song hệ thống kiểm soát đã giúp ngăn các biến thể này.
[Mọi điều cần biết về vụ tấn công mã độc tống tiền chấn động toàn cầu]
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith đã cáo buộc Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm một phần về vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu hôm 12/5 vừa qua.
Ông Smith, người cũng là cố vấn trưởng về pháp lý của Microsoft, đã chỉ trích các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), "tích trữ" các mã mềm có thể bị tin tặc lợi dụng.
Ông kêu gọi các chính phủ cần thông báo cho các công ty phần mềm về những lỗ hổng an ninh mà họ phát hiện được, thay vì "tích trữ, bán lại hoặc khai thác sử dụng chúng."
Làn sóng tấn công hệ thống máy tính tại 150 nước trên toàn thế giới cuối tuần qua đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của các ngân hàng, bệnh viện, trường học... theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi đồng ý trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, trị giá từ 300-600 USD.
Đến thời điểm này, các công ty an ninh mạng xác định virus gây ra vụ tấn công là loại mã độc WannaCry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows XP của Microsoft Corp./.