Vụ tai nạn tàu lặn Titan mở ra cuộc tranh luận về vấn đề an toàn

Công ty OceanGate đã từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ (ABS) hay công ty dịch vụ chứng nhận an toàn DNV của châu Âu.
Tàu lặn Titan được đưa tới khu vực lặn ở Everett, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vụ nổ tàu lặn Titan - tai nạn tàu lặn du lịch gây thương vong đầu tiên trên thế giới, chắc chắn sẽ mở ra cuộc tranh luận về vấn đề an toàn và có thể có cả những lời kêu gọi siết chặt các quy định đối với loại hình du lịch mạo hiểm này.

OceanGate - công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic, đã từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ (ABS) hay công ty dịch vụ chứng nhận an toàn DNV của châu Âu.

Trong số khoảng 10 tàu lặn có khả năng tiếp cận độ sâu của xác tàu Titanic ở gần 4.000m dưới đại dương, chỉ có tàu Titan là chưa được chứng nhận.

Năm 2018, một số chuyên gia đã cảnh báo Giám đốc điều hành (CEO) OceanGate, ông Stockton Rush, một trong 5 người thiệt mạng trong vụ nổ tàu Titan, rằng việc không đưa tàu Titan đi kiểm định an toàn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Chuẩn Đô đốc John Mauger, Tư lệnh Vùng 1 của Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG), nhận định vụ nổ tàu lặn Titan cho thấy sự cần thiết phải siết chặt các quy định quản lý và tiêu chuẩn an toàn đối với các tàu lặn sâu dưới đáy đại dương.

[Hé lộ thêm nhiều bí ẩn xung quanh vụ tàu Titan mất tích]

Trong khi đó, đạo diễn James Cameron, người đã trở thành nhà thám hiểm biển sâu vào những năm 1990 khi đang nghiên cứu và thực hiện bộ phim bom tấn ''Titanic,'' cho rằng các tàu lặn, bất kể chở hành khách, nhà khoa học hay nhà thám hiểm, đều cần phải kiểm định và được tất cả các quốc gia nơi tàu lặn hoạt động cấp chứng nhận an toàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng việc áp đặt các quy định bổ sung có thể không khả thi do vấn đề pháp lý liên quan đến các phương tiện lặn sâu ở các vùng biển quốc tế. Theo đó, ở các vùng biển quốc tế không có quy định mang tính toàn cầu nào về hoạt động của các tàu lặn và cũng không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Hàng hải Justin Manley nhận định sự cố với tàu lặn Titan có thể dẫn đến những quy định quản lý nghiêm ngặt hơn, nhưng các quy định này có thể không khả thi do các vùng biển quốc tế vốn không thuộc phạm vi quản lý của một quốc gia nào.

Tàu lặn Titan đã mất hoàn toàn liên lạc sau gần 2 giờ chở theo 5 người, trong đó có CEO của OceanGate, lặn xuống đáy đại dương để tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6.

USCG ngày 22/6 nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu đều đã thiệt mạng. Thông tin này là đoạn kết đáng buồn dành cho nỗ lực cứu hộ quốc tế quy mô lớn. Đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên được biết đến trong hơn 60 năm qua liên quan đến một tàu lặn biển sâu quy mô thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục