Vụ SVB phá sản: Giá cổ phiếu ngân hàng toàn cầu tiếp tục chịu sức ép

Chỉ số rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng Khu vực sử dụng đồng euro tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022, khi những lo ngại về nguy cơ lây lan sau khi hai ngân hàng Mỹ phá sản.
Chi nhánh ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 13/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tiếp tục gây sức ép lên cổ phiếu ngân hàng toàn cầu trong phiên 14/3, khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của một số ngân hàng, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách lên tiếng trấn an.

Chỉ số rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng Khu vực sử dụng đồng euro tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022, khi những lo ngại về nguy cơ lây lan sau khi hai ngân hàng Mỹ phá sản, trong khi đã có những quan ngại về tác động từ việc tăng lãi suất đến lĩnh vực ngân hàng.

Chỉ số chứng khoán của 600 ngân hàng châu Âu giảm 0,6% trong phiên 14/3, sau khi giảm mạnh nhất trong hơn một năm trong phiên 13/3.

Giá cổ phiếu của Credit Suisse (Thụy Sĩ) giảm 1,3%, sau khi sau khi giảm tới 14,6% trong phiên 13/3 xuống mức thấp kỷ lục 2,115 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của ngân hàng HSBC (Anh) giảm 1,8% trong phiên giảm thứ tư liên tiếp. HSBC đã mua chi nhánh tại Anh của SVB, cứu trợ một ngân hàng chủ chốt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ tại nước này.

Tại châu Á, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm giá, trong đó cổ phiếu của các ngân hàng Nhật Bản đặc biệt giảm mạnh khi những lo ngại về rủi ro mang tính hệ thống đã khiến các thị trường đi xuống.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản ngày 14/3 cho biết, các ngân hàng nước này có đủ đệm vốn để ứng phó với bất kỳ thiệt hại nào do những rủi ro đến từ bên ngoài như lãi suất tăng.

[Vụ SVB phá sản: Bài học đắt giá cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ]

Ông Biden đã có những động thái nhằm trấn an các thị trường và người gửi tiền sau khi Mỹ thực hiện các biện pháp khẩn cấp để củng cố các ngân hàng thông qua việc cho phép tiếp cận nguồn vốn bổ sung, nhưng nhà đầu tư vẫn lo ngại về tác động tới các ngân hàng khác trên toàn cầu.

Việc các dự báo về lãi suất được xem xét lại cũng gây sức ép lên các thị trường, khi các nhà giao dịch cho rằng có 50% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp trong tuần tới và sẽ hạ lãi suất vào nửa cuối năm nay.

Đầu tuần trước, Fed được cho là chắc chắn sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản và có 70% khả năng tăng 50 điểm cơ bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục