Vụ SVB phá sản: First Citizens cân nhắc đề nghị mua lại SVB

Nguồn tin cho hay First Citizens đã tham gia vào đợt rao bán trước đó cho SVB do FDIC tiến hành, nhưng ngân hàng đã gửi một giá thầu rất thấp và bị FDIC từ chối.
Vụ SVB phá sản: First Citizens cân nhắc đề nghị mua lại SVB ảnh 1First Citizens cân nhắc đề nghị mua lại SVB. (Nguồn: Reuters)

Một số nguồn thạo tin cho hay ngân hàng First Citizens BancShares Inc đang đánh giá lời đề nghị mua lại ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).

Theo nguồn tin, ngân hàng có trụ sở tại Raleigh, Bắc Carolina nằm trong số ít những đơn vị mua tiềm năng cho SVB. Ngoài First Citizens, ít nhất một bên khác cũng đang xem xét nghiêm túc khả năng mua lại SVB.

Đầu tuần này, hãng tin Reuters đã đưa tin Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã yêu cầu các ngân hàng quan tâm đến việc mua lại SVB và Signature Bank nộp hồ sơ dự thầu trước ngày 17/3.

Các nguồn tin cho biết hạn chào thầu là sáng Chủ nhật (19/3 theo giờ địa phương). Một trong những người này cho FDIC sẽ quyết định vào ngày đó xem có nên theo đuổi việc bán toàn bộ hay chia nhỏ SVB hay không, tùy thuộc vào việc có bất kỳ bên nào đưa ra giá thầu hay không.

[Thị trường có những diễn biến trái ngược sau vụ ngân hàng SVB sụp đổ]

Đây sẽ là nỗ lực thứ hai của FDIC trong việc bán SVB sau thất bại với ngân hàng đầu tư Piper Sandler Cos. FDIC sau đó vẫn lựa chọn Piper Sandler Cos để thực hiện một đợt đấu thầu mới.

SVB, First Citizens và FDIC không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của báo giới về vấn đề này.

Hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra và First Citizens có thể chọn không tham gia đấu thầu. Nguồn tin cho hay First Citizens đã tham gia vào đợt rao bán trước đó cho SVB do FDIC tiến hành. Nhưng ngân hàng đã gửi một giá thầu rất thấp và bị FDIC từ chối.

Các cuộc đấu thầu diễn ra sau khi FDIC tiếp quản SVB vào ngày 10/3 và Signature Bank vào 12/3, trong bối cảnh sự sụp đổ của hai ngân hàng cho vay của Mỹ đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu.

SVB đã sụp đổ sau khi cơ sở khách hàng lâu đời của họ là các công ty khởi nghiệp công nghệ ngày càng lo ngại về tình hình kinh doanh và ồ ạt rút tiền gửi.

Được thành lập vào năm 1983, SVB là ngân hàng thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và suốt thời gian dài là điểm tựa tài chính vững chắc cho khoảng 50% tổng số công ty khoa học công nghệ và khởi nghiệp tại nước này.

Quy mô hoạt động của SVB vươn tới cả Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Israel, Thụy Điển và Vương quốc Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục