Vụ SVB phá sản: Chương trình BTFP mở đường cho Fed nâng lãi suất

Fed sẽ cung cấp cho các ngân hàng các khoản vay kỳ hạn một năm với lãi suất bằng với lãi suất của giao dịch hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS) kỳ hạn một năm cộng thêm 0,1 điểm phần trăm.
Vụ SVB phá sản: Chương trình BTFP mở đường cho Fed nâng lãi suất ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bank Term Funding Program (BTFP), một chương trình cho vay mới dành cho các ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản cho hệ thống tài chính sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục nâng lãi suất nếu cần thiết để kiềm chế lạm phát mà không làm gia tăng các khoản lỗ từ trái phiếu của các ngân hàng thương mại.

Theo chương trình BTFP, Fed sẽ cung cấp cho các ngân hàng các khoản vay kỳ hạn một năm với lãi suất bằng với lãi suất của giao dịch hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS) kỳ hạn một năm cộng thêm 0,1 điểm phần trăm.

Các ngân hàng có thể sử dụng các loại chứng khoán chính phủ đủ điều kiện mà họ có như trái phiếu chính phủ và nợ đảm bảo bằng thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay này.

[Các cổ đông kiện công ty mẹ của SVB che giấu nguy cơ phá sản]

Lãi suất OIS một năm vào ngày 14/3 là 4,73%, trong khi một khoản vay kỳ hạn một năm từ Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang, một cơ quan nhà nước chuyên cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng khu vực, hiện đang có lãi suất khoảng 5,4%.

Hôm 10/3, ngân hàng SVB bị đóng cửa sau khi khách hàng rút tới 42 tỷ USD chỉ trong một ngày. SVB đã phải bù vào khoảng trống vốn 1,8 tỷ USD sau khi bán lỗ danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD vì lãi suất tăng lên đã làm giảm giá trị của trái phiếu chính phủ.

Nhưng với chương trình BTFP, ông Ryan Swift, chuyên gia của công ty nghiên cứu BCA Research ở Montreal, Canada cho biết: “Các ngân hàng sẽ không phải bán lỗ danh mục trái phiếu của mình, kể cả khi họ đang chịu áp lực về vốn.”

Thay vào đó, “các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản của mình bằng cách vay tiền từ Fed. Với thị trường trái phiếu, cơ cấu của công cụ này có nghĩa là Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất mà không làm trầm trọng thêm vấn đề lỗ trái phiếu chưa thực hiện trong danh mục đầu tư của các ngân hàng.”

Báo cáo mới nhất của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho thấy các khoản lỗ chưa thực hiện trong danh mục đầu tư chứng khoán của các ngân hàng ở mức 690 tỷ USD tính đến ngày 30/9/2022, tức chiếm khoảng 40% vốn chủ sở hữu chung hữu hình của các ngân hàng Mỹ.

Các ngân hàng Mỹ đã gia tăng lượng trái phiếu chính phủ họ nắm giữ trong suốt thời kỳ lãi suất siêu thấp để bảo vệ biên lãi ròng ngày càng giảm xuống.

Lượng trái phiếu chính phủ mà các ngân hàng Mỹ đang nắm giữ đã tăng lên đến 4.400 tỷ USD, tức 19% khối tài sản ngân hàng, theo báo cáo mới đây của Moody's dựa trên số liệu trích dẫn từ Fed. Vào năm 2005, con số này chỉ là 1.000 tỷ USD.

Ông Lou Crandall, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu thị trường tiền Wrightson ở New York, nhận định Fed không muốn dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm vì những lo ngại về tính ổn định, mà điều ngân hàng này cần là một công cụ bình ổn tình hình hiện tại. Và chương trình BTFP sẽ cho phép Fed tiếp tục nâng lãi suất trong tình hình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nhân viên ngân hàng Công thương kiểm đếm đồng Nhân dân tệ tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản

Trung Quốc quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm ở mức 3,1%, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực vực dậy đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ đồng nhân dân tệ đang suy yếu.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hoãn tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, một phản ứng thận trọng trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ trong tháng 1/2025.