Vụ sạt trượt hồ bùn đỏ ở Đắk Nông: Vướng mắc giải phóng mặt bằng

Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, sau gần 5 năm, sự cố sạt trượt tại khoang số 2, hồ bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông mới được chủ đầu tư khắc phục.
Vụ sạt trượt hồ bùn đỏ ở Đắk Nông: Vướng mắc giải phóng mặt bằng ảnh 1Toàn cảnh khoang số 2 (bên dưới) và khoang số 1 (bên trên), hồ bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Sau gần 5 năm, sự cố sạt trượt tại khoang số 2, hồ bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) mới được chủ đầu tư khắc phục.

Theo các bên liên quan, nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dù diện tích để khắc phục sự cố chỉ hơn 2ha.

Theo Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam - TKV), sau thời gian dài chờ mặt bằng “sạch,” đơn vị đang tập trung nhân lực, vật lực khắc phục sự cố sạt trượt khoang số 2, hồ bùn đỏ.

Đến nay, cơ bản đơn vị đã xử lý xong. Nhà thầu đang tiếp tục hoàn thiện và dự kiến cuối tháng Tư, các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương sẽ vào kiểm tra, đánh giá tổng thể.

Cũng theo Công ty Nhôm Đắk Nông, khoang số 1 hồ bùn đỏ đã được đưa vào sử dụng từ lúc Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào vận hành (năm 2016). Sau gần 8 năm, khoang chứa đã đầy, bùn đỏ khô đã gần cao bằng mái taluy đập.

Tháng 11/2022, sau đợt giám sát an toàn hồ đập và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại Công ty Nhôm Đắk Nông, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định khoang số 1 hồ bùn đỏ đang vượt quá sức chứa theo thiết kế trong khi khoang số 2 bị sạt trượt nên không thể vận hành bình thường.

Bộ yêu cầu TKV phải khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng sạt trượt tại khoang số 2, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng khoang số 3.

“Trong trường hợp các giải pháp an toàn hồ đập, phương án phòng ngừa sự cố môi trường đối với hồ bùn đỏ tại Công ty Nhôm Đắk Nông chưa được giải quyết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị TKV xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc tạm dừng sản xuất đối với Nhà máy Alumin Nhân Cơ theo đúng quy địn," công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Theo ngành chức năng huyện Đắk R’Lấp, năm 2018, tại khu vực khoang số 2 của hồ bùn đỏ bất ngờ xảy ra sụt lún, sạt trượt. Tình trạng này đã khiến nhiều diện tích đất canh tác của người dân bị sạt theo.

Khoang số 2 thời điểm đó là khoang dự trữ cho khoang số 1 nên sự cố không làm rò rỉ bùn đỏ ra môi trường.

Công ty Nhôm Đắk Nông đã kiến nghị chính quyền địa phương lên phương án bồi thường, thu hồi đất để khắc phục sự cố sạt trượt nhưng công tác giải phóng mặt bằng "giậm chân tại chỗ" nhiều năm liền và việc khắc phục không thể triển khai do vướng mặt bằng.

Đại diện Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’Lấp cho biết quá trình kiểm kê, đền bù để giải phóng mặt bằng, khắc phục sự cố sạt trượt tại khoang số 2 kéo dài do một số hộ dân không hợp tác, nhất là các hộ có đất vừa thuộc khoang số 2 vừa thuộc khu vực dự kiến xây dựng khoang số 3.

Các hộ dân cho rằng việc thu hồi, đền bù cần phải dứt điểm và yêu cầu chi trả tiền một lần để họ chủ động trong việc di chuyển đến chỗ ở mới.

Vụ sạt trượt hồ bùn đỏ ở Đắk Nông: Vướng mắc giải phóng mặt bằng ảnh 2Cuối năm 2022, khoang số 1, hồ bùn đỏ, Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đã vượt quá sức chứa theo thiết kế. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

“Tới tháng 8/2022, TKV mới phê duyệt phương án đầu tư xây dưng khoang số 3. Chúng tôi không thể tiến hành các thủ tục thu hồi đất trước thời điểm đó trong khi người dân thì đòi chỉ kiểm kê, thu hồi một lần," đại diện Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’Lấp thông tin thêm. Tuy nhiên, huyện cũng chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã có rất nhiều công văn báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời có nhiều công văn đôn đốc Công ty Nhôm Đắk Nông sớm xử lý sự cố sạt trượt hồ bùn đỏ. Hiện đang chuẩn bị bước vào mùa mưa và công tác khắc phục, nghiệm thu phải hoàn thành trong tháng Tư này.

Theo ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, ngay sau khi sự cố sạt trượt xảy ra, công ty đã lên phương án, dự toán khắc phục với kinh phí trên 11 tỷ đồng nhưng sau đó không thể triển khai vì một số hộ dân không chịu bàn giao đất.

[Làm rõ nguyên nhân sạt lở đất hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ]

Phải đến đầu năm 2023, đơn vị thi công mới bắt đầu thực hiện. Khoang số 1 của hồ bùn đỏ cơ bản đã gần đầy. Tuy nhiên, khoang này vẫn có thể chứa bùn đỏ thêm một thời gian ngắn nữa.

“Sau khi hoàn thành việc khắc phục sự cố tại khoang số 2 và được ngành chức năng kiểm tra, nghiệm thu, công ty sẽ đưa vào vận hành ngay. Mặt bằng khu vực xây dựng khoang số 3 cơ bản không còn vướng nên việc xây dựng cũng sẽ sớm được triển khai. Các nội dung khắc phục theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được công ty khẩn trương thực hiện," ông Ngô Tố Ninh khẳng định.

Công trình hồ bùn đỏ thuộc dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ gồm 6 khoang. Khoang số 1 có diện tích mặt hồ khoảng 22ha, dung tích chứa gần 2,9 triệu m3. Khoang số 2 có diện tích hơn 27,5ha, sức chứa 3,7 triệu m3. Khoang số 3 có diện tích mặt hồ trên 15ha, sức chứa 1,41 triệu m3.

Ba khoang đều được thiết kế, thi công với hệ thống đập đất; hệ thống chống thấm lòng hồ, thân đập; hệ thống thoát nước, thoát lũ; hệ thống thu hồi xút; đường giao thông và một số hạng mục phụ trợ.

Các nội dung liên quan tới an toàn hồ đập, phòng ngừa sự cố môi trường trong quá trình vận hành các khoang hồ bùn đỏ, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm và kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục