Thụy Sĩ bước sang một thời kỳ mới trong ngày 20/3, sau khi UBS thông báo mua lại Credit Suisse theo một thỏa thuận mà chính phủ thúc đẩy.
Theo một thỏa thuận mà các nhà chức trách Thụy Sĩ thúc đẩy vào ngày 19/3, UBS sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sĩ (3,23 tỷ USD) cho Credit Suisse và giả định khoản thua lỗ đến 5,4 tỷ USD.
Hai ngân hàng đều là những trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ.
Theo Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, UBS và Credit Suisse có tổng giá trị tài sản đến 140% GDP của Thụy Sĩ, quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngành tài chính.
Hiệp hội nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ đã rất bất ngờ trước những tác động từ thỏa thuận nhằm cứu Credit Suisse, ngân hàng 167 năm tuổi, sau khi lòng tin của khách hàng và thị trường vào ngân hàng này giảm sút mạnh.
Hiệp hội đã yêu cầu UBS tiếp tục cắt giảm việc làm ở mức tối thiểu. Theo hiệp hội này, việc làm của rất nhiều người đang bị đe dọa.
Yêu cầu trên đã cho thấy sự lo ngại về danh tiếng là trung tâm tài chính toàn cầu của Thụy Sĩ.
Nghị sỹ đảng Xanh Gerhard Andrey cho rằng Thụy Sĩ đang trong tình thế rất khó khăn.
Một số người đã bày tỏ quan ngại về ưu thế của UBS. Giáo sư về lịch sử kinh tế tại Đại học Zurich, Tobias Straumann, cho rằng điều đáng ngạc nhiên là các nhà chức trách đã không có những quy định đặc biệt để giải quyết vấn đề cạnh tranh.
Truyền thông Thụy Sĩ cũng bị bất ngờ trước diễn biến trên. Theo tờ Neue Zuercher Zeitung, vài tháng trước, không ai nghĩ tới việc Credit Suisse sẽ rơi vào tình cảnh hiện nay, dù đây không phải là điều tình cờ.
[12.000 việc làm có thể biến mất sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse]
Ngân hàng này có giá trị thị trường 100 tỷ franc vào năm 2007 và chỉ còn là 7 tỷ franc vào ngày 17/3. Các nhà quản lý đã khinh suất trong đánh giá rủi ro và các thành viên hội đồng quản trị nhiều lần mất kiểm soát tình hình.
Tờ Tages-Anzeiger gọi vụ việc là một bê bối lịch sử. Một ngân hàng mới rất lớn có những lợi thế, còn người đóng thuế, các khách hàng và người lao động gặp bất lợi. Tờ báo cảnh báo về tình trạng cắt giảm việc làm mạnh sắp tới.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành UBS, Ralph Hamers, người cũng sẽ giữ cương vị này trong ngân hàng sau sáp nhập, tin rằng ngân hàng mà ông đứng đầu sẽ thực hiện thương vụ thành công, đưa đến sự ổn định và đảm bảo cho các khách hàng, đồng thời giữ vững vị thế là trung tâm tài chính của Thụy Sĩ./.