Ngày 20/11, giới chức Ấn Độ cho biết lực lượng chức năng nước này tiếp tục triển khai kế hoạch cứu hộ mới để giải cứu 41 công nhân bị mắc kẹt đã 8 ngày trong đường hầm đường cao tốc bị sập tại bang Uttarakhand sau khi những nỗ lực trước đó bị đình trệ.
Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực để đưa thức ăn đã nấu chín và thiết lập kết nối điện thoại với những người bị mắc kẹt kể từ khi đoạn đường hầm này bị sập hôm 12/11 vừa qua.
Hiện họ vẫn an toàn và đã được tiếp cận ánh sáng, nguồn cung cấp oxy, thực phẩm khô, nước uống cũng như thuốc men mà lực lượng cứu hộ chuyển qua một đường ống.
Nhà chức trách hy vọng rằng có thể thiết lập được đường ống thứ hai để đưa thức ăn đã nấu chín cho những người bị mắc kẹt. Đến nay, lực lượng chức năng đã hoàn thành được 2/3 đường ống này.
Ấn Độ cần thêm 2 ngày để giải cứu công nhân mắc kẹt dưới đường hầm
Sau khi các máy xúc không phát huy hiệu quả trong việc dọn dẹp đống đổ nát và máy khoan gặp vấn đề, lực lượng chức năng đã triển khai thêm 1 máy khoan tiên tiến đến hiện trường.
Phát biểu với báo giới ngày 19/11, Bộ trưởng Giao thông Đường bộ và Cao tốc Liên bang Ấn Độ Nitin Gadkari nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là cứu sống những người mắc kẹt trong đường hầm.
Thông qua đường ống thứ hai, lực lượng chức năng sẽ đưa những thứ cần thiết xuống cho họ. Theo ông, nhà chức trách cũng đang cân nhắc thiết lập kết nối điện thoại để giúp các công nhân bị mắc kẹt nói chuyện được với người thân.
Lực lượng cứu hộ đang nghiên cứu 5 phương án giải cứu những người bị mắc kẹt trong đường hầm sau khi phải tạm dừng chiến dịch hôm 18/11 vừa qua do máy khoan gặp trục trặc và nguy cơ đất đá tiếp tục sụt lở. Tốc độ giải cứu cũng chậm lại do đất đá tiếp tục rơi xuống.
Theo Tập đoàn Phát triển Cơ sở Hạ tầng và Đường Cao tốc Quốc gia (NHIDCL) - đơn vị đang xây dựng đường hầm, một tiếng nứt đột ngột cuối ngày 17/11 gây ra sự hoảng loạn trong đường hầm, cũng như lo ngại mái hầm có nguy cơ sập.
Đường hầm dài 4,5km đang được xây dựng giữa Silkyara và Dandalgaon để kết nối hai ngôi đền Hindu linh thiêng nhất là Uttarkashi và Yamunotri. Có khoảng 50-60 người làm việc tại thời điểm xảy ra vụ sập đường hầm.
Những người ở gần cửa hầm đã thoát ra ngoài. Nhà chức trách không nêu nguyên nhân dẫn tới vụ sập đường hầm, song khu vực này thường hứng chịu lở đất, động đất và lũ lụt.
Chính phủ Ấn Độ cho biết đã sử dụng các kỹ thuật thân thiện môi trường trong thiết kế để đảm bảo an toàn tại các đoạn đường không ổn định về địa chất./.