Vụ sa thải giáo viên ở Bắc Ninh: Phớt lờ quyền lợi học sinh!

Quyết định cho 261 giáo viên nghỉ việc ngay khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm học, khiến cho hàng nghìn học sinh ngơ ngác, bơ vơ.
Học sinh trường Trung học cơ sở Đông Thọ trước giờ vào thi kết thúc năm học. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Quyết định cho 261 giáo viên nghỉ việc ngay khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm học đã khiến cho hàng nghìn học sinh ngơ ngác, bơ vơ. Phòng Nội vụ huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đều có đủ lý lẽ để nói mình không sai, nhưng nói như hiệu trưởng một trường phổ thông ở huyện này thì “đến một người bình thường nhất cũng phải nhận thức được rằng làm như thế là không nên, là máy móc, là thiếu tình người.”  "Thay ngựa giữa đường" Về Yên Phong những ngày này mới thấy một góc trời Kinh Bắc vốn yên bình bỗng trở nên xôn xao khắp đầu làng cuối xóm. Các giáo viên thất vọng, người thân của họ bức xúc. Còn trong từng mái nhà, các em học sinh và phụ huynh hoang mang. Bác Nguyễn Đức Thiện (xã Đông Thọ) lo lắng nói: “Trường Trung học cơ sở Đông Thọ đợt này có đến 8 giáo viên phải nghỉ. Những giáo viên này đã dạy học sinh từ đầu năm học, có cả người là giáo viên chủ nhiệm, nhưng khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm học thì lại ‘thay ngựa giữa đường,’ đổi giáo viên mới. Con em Đông Thọ chúng tôi ôn tập thế nào với người mới? Ai theo dõi đánh giá được vào học bạ cho các cháu? Ai dám khẳng định đảm bảo chất lượng?” Lo lắng của bác Thiện cũng chính là nỗi lo của các em học sinh, các phụ huynh, các nhà trường và của chính các giáo viên, cả cũ và mới. Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Thọ chia sẻ: “Giáo viên cả năm không dạy, chỉ đến trường vài tuần cuối cùng của năm học thì biết gì để ôn tập cho học sinh? Họ càng không thể nhận xét vào học bạ của các em. Giá như họ tính toán đến đặc thù của ngành giáo dục, muốn thanh lý hợp đồng cũng phải đợi đến khi kết thúc năm học thì quyền lợi của học sinh sẽ được đảm bảo hơn, đặc biệt là với học sinh lớp 9,” cô Mai nói.
[Vụ hàng trăm giáo viên mất việc: Bỏ sót đối tượng]
Đông Thọ có 8 giáo viên phải nghỉ đã khó khăn, ở những trường có số lượng giáo viên bị nghỉ việc lớn hơn như Trung học cơ sở Dũng Liệt với 22 giáo viên bị thay thế trên tổng số 33 giáo viên toàn trường (chiếm trên 66,6%), Trung học cơ sở Văn Môn với 19 giáo viên mới trên tổng số 43 giáo viên (chiếm trên 44%) thì khó khăn còn nhiều hơn nữa.

Hiệu trưởng linh động “cứu” trò

Để đảm bảo quyền lợi học sinh, dù Phòng Nội vụ Yên Phong liên tục có công văn yêu cầu chấm dứt hợp đồng với các giáo viên trong danh sách trượt tuyển viên chức, nhưng cô Mai vẫn đề nghị những giáo viên này đến trường để làm sổ điểm, dù không được tiếp tục đứng lớp.

Riêng một trường hợp là giáo viên dạy lớp 9, môn văn, cô Mai vẫn cho dạy vì theo cô, với học sinh lớp 9, việc ôn tập cuối năm của các em rất quan trọng, các em còn phải ôn thi vào lớp 10 nên không thể bỗng dưng nói thay giáo viên là thay ngay được. 

Tại trường Trung học cơ sở Văn Môn, hiệu trưởng đã phải đứng ra thương lượng riêng với các giáo viên mới là chịu khó ở nhà thêm một tháng để các giáo viên cũ tiếp tục đứng lớp nốt những ngày còn lại. Điều này giúp giáo viên mới đỡ vất vả, giáo viên cũ được hoàn thành nốt nhiệm vụ của mình và giảm thiểu cho học sinh sự hoang mang cũng như đảm bảo quyền lợi học tập của các em.

Tuy nhiên, không phải hiệu trưởng trường nào cũng dám “chống lệnh” và theo đó, hàng nghìn học sinh Yên Phong đã phải chịu thiệt thòi vì những quyết định không đúng thời điểm của các cơ quan chức năng. 

Phòng Nội vụ Yên Phong giải thích rằng họ phải thực hiện điều này để đảm bảo đúng thời gian quy định về việc phân công công tác sau khi có quyết định trúng tuyển (trong 15 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả phải công bố trúng tuyển, trong 20 ngày người trúng tuyển phải đến ký hợp đồng làm việc). 

“Nhưng thời gian xét tuyển cũng như công bố kết quả xét tuyển đều do Phòng Nội vụ chủ động tổ chức. Có đến 3 tháng hè sắp tới, nếu họ tổ chức thi cũng như làm tất cả các công tác khác trong dịp này, có lẽ học sinh, giáo viên và nhà trường sẽ bớt khó khăn,” một hiệu trưởng nói.

Mới đây, Phòng Nội vụ huyện Yên Phong cũng đề xuất cho các giáo viên được ký hợp đồng hết tháng 5 để đảm bảo kết thúc năm học. Tuy nhiên, theo các hiệu trưởng, lúc ôn tập nước rút quan trọng thì bắt giáo viên nghỉ, giờ cho ký tiếp hợp đồng một tháng thì thời điểm quan trọng đã qua, nhiều trường đã tổ chức cho học sinh thi hết năm, chẳng còn ý nghĩa gì, có chăng chỉ còn có giá trị đối với các học sinh lớp 9./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục