Trong số 261 giáo viên của Yên Phong (Bắc Ninh) bị buộc thôi việc lần này, có nhiều người từng 4, 5 năm liên tục là giáo viên giỏi cấp huyện, thậm chí là giáo viên giỏi cấp tỉnh nhưng cũng bị buộc phải rời mái trường, bục giảng.
“Chúng tôi là giáo viên hợp đồng nên quá trình làm việc luôn phải nỗ lực gấp đôi người khác để giữ hợp đồng. Trong 8 năm đi dạy, tôi có 6 năm là giáo viên giỏi cấp huyện và vừa đoạt giáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2013 mà bây giờ bị loại. Càng nghĩ càng cay đắng,” cô X., giáo viên trường Trung học cơ sở Đông Thọ, buồn bã nói.
Cay đắng với nghề
Ngồi thu mình trong căn nhà nhỏ, cô X. nhớ về những ngày thơ ấu cứ nhìn các thầy cô trên bục giảng mà ước ao theo nghề giáo. Lớn lên, X. thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh để biến ước mơ thành hiện thực. Ra trường, về trường Trung học cơ sở Đông Thọ với mức lương thử việc chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng X. đã luôn nỗ lực không ngừng và chỉ 2 năm sau, cô thi đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện.
Rồi vừa dạy ở trường, X. vừa đi học lên đại học hệ tại chức để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cô giáo trẻ vừa giữ vững danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện trong 6 năm liền, vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi.
Cứ thế, 8 năm đi dạy, X. bảo đó là 8 năm cô trông mong cơ hội được vào biên chế, nhưng không thấy đợt thi tuyển nào.
Năm 2013, X. mang danh dự về cho trường Trung học cơ sở Đông Thọ khi đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô giáo trẻ cũng vui mừng khi được tin Yên Phong sẽ xét tuyển viên chức giáo viên. Nhưng cô không ngờ đó có thể cũng là năm chấm hết cho sự nghiệp trồng người của mình.
“Chừng ấy năm gắn bó, dù chỉ là giáo viên hợp đồng, không có cơ hội bổ nhiệm, thăng tiến, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ là sẽ có ngày phải xa trường, xa lớp, xa các em học sinh, vậy mà...,” đôi mắt rơm rớm, cô giáo trẻ quay đi để ngăn dòng nước mắt.
Nhưng X. bảo, mình còn may vì dù nằm trong danh sách giáo viên bị trượt nhưng do đang mang thai nên sẽ còn được là cô giáo thêm một năm nữa, cho đến khi con cô tròn một tuổi thì mới bị thật sự chấm dứt hợp đồng. Hai tiếng “cô giáo” và những ánh mắt học trò như ám ảnh với X., và niềm hạnh phúc thêm một năm được làm cô giáo như càng làm nỗi đau trong lòng cô giáo trẻ thêm nhức nhối.
Trường hợp của cô giáo X. chỉ là một trong số hàng trăm giáo viên ở Yên Phong đang cùng cảnh ngộ. Cô N.T.P, giáo viên trường Trung học cơ sở Yên Phụ, từng là giáo viên giỏi tỉnh xuất sắc năm học 2012-2013, nhưng cũng đã bị cho nghỉ việc. Cô P., giáo viên dạy hóa trường Trung học cơ sở Văn Môn, 8 năm gắn bó với trường, 5 năm liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cũng vừa phải từ biệt mái trường.
“Giá như mình đừng đam mê, giá như mình đừng yêu thương, gắn bó, có lẽ sẽ bớt đau hơn,” cô P. buồn rầu nói.
Không chỉ thương thân mình, P. bảo cô còn thương những người có thâm niên hơn nữa vì phấn đấu, cống hiến cả chục năm trời mà vẫn bị cho thôi việc, như cô Nguyễn Thị Lụa, Đào Thị Hiền (trường Trung học cơ sở Dũng Liệt), cô Nguyễn Thị Mến (trường Trung học cơ sở Văn Môn), thầy Trương Đình Cửu (trường Trung học Cơ sở Yên Trung)..
Không chỉ các giáo viên, đây còn là cú sốc lớn đối với cả hiệu trưởng các trường và với các em học sinh.
Ngôi trường Trung học cơ sở Văn Môn vừa mới được xây dựng khang trang rộng rãi, ngay cạnh cánh đồng lúa yên bình, bỗng trở nên trống trải với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Trác. Đợt này, có đến 16 trên tổng số 43 giáo viên của trường bị nghỉ việc, trong đó 10 người đã dạy ở trường trên 5 năm, có giáo viên gắn bó đã 10 năm, có 7 người từng là giáo viên giỏi cấp huyện, và theo thầy, họ đều là những người say nghề thực sự.
Nét mặt trầm buồn, thầy bảo: “Việc này đã tạo ra một xáo trộn lớn. Năm học tới sẽ muôn vàn khó khăn. Trường nhận 19 giáo viên mới, không biết chất lượng giảng dạy ra sao, có ý định gắn bó với trường không, nên bố trí thế nào. Trong đó, nhiều giáo viên trẻ mới vừa ra trường, chưa có chút kinh nghiệm nào...,” thầy Trác lo lắng nói.
Còn cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mai, trường Trung học cơ sở Đông Thọ thì không cầm được nước mắt khi nghĩ đến việc buộc phải dừng hợp đồng với 9 giáo viên.
Đôi mắt ngấn lệ nhìn đăm đăm ra khoảng trống ngoài sân trường, cô Mai nghẹn lời:“Buồn lắm lắm. Các em đã gắn bó với chúng tôi nhiều năm, đều ngoan, say nghề, nhiệt tình. Xiêm là giáo viên môn sinh giỏi cấp tỉnh, Nguyệt là giáo viên không chỉ dạy giỏi mà chủ nhiệm cũng giỏi, còn Ngọc Anh đang đảm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp 9. Có em đang mang bầu, em đang nuôi con nhỏ. Tôi thấy thật không đành lòng...”
Cô Mai bảo cô khi phòng Nội vụ có công văn về việc yêu cầu chấm dứt hợp đồng, cô rất băn khoăn, chỉ thông báo nhưng vẫn để các giáo viên đến trường. Phòng Nội vụ tiếp tục có công văn đốc thúc, cô cũng không nỡ bắt các giáo viên của mình nghỉ việc mà để họ tiếp tục đến trường hoàn thiện sổ điểm cho năm học sắp kết thúc, bởi nửa đời gắn bó với nghề, cô hiểu, với người giáo viên, được đến trường là niềm hạnh phúc vô bờ.
“Tôi không biết chất lượng của những người mới về thế nào, có người vừa mới ra trường và chắc chắn chúng tôi sẽ phải cầm tay chỉ việc, dìu dắt các em một thời gian. Còn những giáo viên chúng tôi đã dày công đào tạo, năng lực đã được ghi nhận, thì lại bị thôi việc. Điều đó là thiệt thòi lớn cho họ, cho cả học sinh và nhà trường, cho ngành giáo dục,” cô Mai xúc động nói.
“Cơ hội nào cho chúng tôi?”
Theo cô Mai, những giáo viên bị nghỉ việc sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Họ bị sốc vì phải bỏ nghề, và sẽ bị sốc tiếp một lần nữa vì không biết làm gì để sống, bởi, với những người đã theo nghề giáo, để chuyển sang nghề khác không đơn giản. Họ không đủ ghê gớm cũng như lanh lợi để cạnh tranh buôn bán, không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc, cũng không đủ giàu có để chơi bời hưởng thụ...
Có lẽ cũng vì điều đó, khi được hỏi về dự định tương lai, các thầy cô giáo bị thôi việc đều lúng túng. Cô N.T.T.H, giáo viên trường Trung học cơ sở Văn Môn bức xúc nói: “Sau cả chục năm trời cống hiến cho ngành giáo dục những năm tuổi trẻ, giờ chúng tôi đều đã ngoài 30, muốn xin đi làm công nhân cũng khó. Chúng tôi còn phải sống, phải lo cho gia đình, con cái, cha mẹ. Cơ hội nào cho chúng tôi?”
Rồi chùng giọng buồn rầu, cô H. bảo, suốt 8 năm trên bục giảng, cô đã phải giữ gìn mình cho đúng với sự chuẩn mực của nghề không chỉ trên lớp mà ngay trong đời sống thường ngày, từ cách nói năng, đi lại tới ăn mặc. “Toàn tâm toàn ý với nghề, nhưng giờ tôi thật hoang mang, con thì thơ dại, mới vừa 8 tháng... Tôi sống bằng gì, nuôi con bằng gì?” cô H. nghẹn lại, rồi cay đắng nói: “Nếu trở lại 8 năm trước, chắc... tôi sẽ không làm nghề giáo!”
Cũng có một số người, vì áp lực mưu sinh, đã phải tìm kế khác. Cô G. chăm chút hơn cho cửa hàng bán quần áo của gia đình, cô P. phụ mẹ bán chè, thầy Đ. theo nghề mộc...
Những bàn tay cầm phấn, cầm bút, rèn chữ dạy người, giờ phải vật lộn kiếm sống với đủ thứ nghề cùng một nỗi lòng nhức nhối..../.