Vụ sa thải giáo viên: Ngày 1/8 bắt đầu nhận hồ sơ xét đặc cách

Ngày mai, 1/8, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đặc cách viên chức ngành giáo dục các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Vụ sa thải giáo viên: Ngày 1/8 bắt đầu nhận hồ sơ xét đặc cách ảnh 1Không còn được đứng lớp, cô giáo Phượng (Yên Phong, Bắc Ninh) đành phụ mẹ bán chè. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày mai, 1/8, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đặc cách viên chức ngành giáo dục các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo kế hoạch xét tuyển đặc cách của Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong, tổng chỉ tiêu còn thiếu năm 2014 được xét tuyển lần này là 220 chỉ tiêu, trong đó khối trung học cơ sở 55 chỉ tiêu, khối tiểu học 88 chỉ tiêu, khối mầm non 77 chỉ tiêu.

Khác với lần thi tuyển viên chức năm 2013 từng gây xôn xao dư luận, lần này Yên Phong không mở rộng phạm vi tuyển dụng ra các tỉnh bạn mà chỉ khoanh vùng thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh.

Điều kiện để được nộp hồ sơ xét tuyển đặc cách là ứng viên có thời gian hợp đồng từ 3 năm học liên tiếp trở lên tính đến 31/5/2014, thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển, không kể thời gian tập sự, thử việc được ghi trong hợp đồng lao động.

Để được đặc cách, giáo viên phải đạt một trong các thành tích: danh hiệu thi đua từ chiến sỹ thi đau cơ sở trở lên; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp tương đương trở lên, đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên, giáo viên được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia bồi dưỡng đội tuyển có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên.

Trường hợp không có các thành tích nêu trên nhưng được cơ quan, đơn vị sử dụng đánh giá hàng năm xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển cũng được xem xét tuyển dụng đặc cách.

Trường hợp số người thuộc diện xét tuyển đặc cách nhiều hơn số chỉ tiêu cần tuyển thì xét theo thứ tự ưu tiên người có thành tích cao hơn, đối tượng là người có công, người có thời gian công tác dài hơn, có trình độ đào tạo cao hơn, người dân tộc ít người...

Hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ và sát hạch. Cụ thể, mỗi giáo viên sẽ soạn giáo án một bài cho một tiết lên lớp trong chương trình sách giáo khoa của bậc học.

Thời gian tổ chức sát hạch là từ ngày 11/8 đến 13/8. Kết quả được công bố sau ngày 16/8.

Không chỉ riêng Yên Phong, trong hai tháng Bảy và Tám này, nhiều huyện, thị khác của Bắc Ninh cũng tiến hành xét tuyển, thi tuyển viên chức ngành giáo dục.

Trước đó, đầu tháng 5/2013, dư luận cả nước xôn xao khi 261 giáo viên của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh bị buộc thôi việc do trượt trong đợt xét tuyển viên chức do Phòng Nội vụ của huyện này tổ chức cuối năm 2013. Trong số này, có rất nhiều giáo viên có thâm niên công tác đến cả chục năm, nhiều người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Việc Yên Phong để ùn ứ đến 10 năm không thực hiện tuyển viên chức giáo viên, khi xét tuyển lại theo hình thức xét hồ sơ kết hợp phỏng vấn mà không có phúc khảo, không đặc cách cho những người có thâm niên trên 36 tháng và thay đổi đột ngột hàng trăm giáo viên ngay trong thời điểm học sinh ôn tập để thi kết thúc năm học đã khiến dư luận bất bình.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn chỉ ra Phòng Nội vụ Yên Phong đã vi phạm luật lao động khi buộc thôi việc cả những giáo viên đang mang thai, có con nhỏ dưới 12 tháng cũng như để xảy ra tình trạng ký hợp đồng ngắn hạn nhiều năm liên tục với người lao động.

Sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh và Phòng Nội Vụ huyện Yên Phong đã thừa nhận có thiếu sót và cứng nhắc trong quá trình tuyển dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục