Vụ PVN: Giữ nguyên tội danh, hình phạt đối với Đinh La Thăng

Chiều 26/6, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng OceanBank.
Bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo nghe hội đồng xét xử đọc bản tuyên án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 26/6, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Giữ nguyên tội danh, hình phạt với bị cáo Đinh La Thăng

Tòa phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Vũ Khánh Trường (sinh năm 1954, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1955, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên PVN), Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1955, nguyên thành viên Hội đồng Thành viên PVN) và bị cáo Ninh Văn Quỳnh (sinh năm 1958, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN).

Chỉ có bị cáo Phan Đình Đức (sinh năm 1960, thành viên Hội đồng Thành viên PVN) được Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo.

Đối với bị cáo Phan Đình Đức, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định hành vi không kiểm tra, xem xét và ký vào văn bản số 124 của bị cáo Phan Đình Đức đã phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng."

Tòa án xác định bị cáo Đức có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên xem xét chuyển hình phạt cho bị cáo.

Do thay đổi tội danh nên bị cáo Đức không phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, phần trách nhiệm dân sự Tòa án buộc bị cáo Đức phải bồi thường sẽ được đối trừ trong tổng số tiền thu lợi bất chính phải sung vào công quỹ tại PVN.

Tòa tuyên giữ nguyên tội danh và hình phạt đối với bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp hình phạt 13 năm tù tại Bản án hình sự phúc thẩm số 297/2018/HSPT ngày 14/5/2018 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Thăng phải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giữ nguyên án sơ thẩm 30 tháng tù, Vũ Khánh Trường 5 năm tù, Nguyễn Xuân Thắng 22 tháng tù, Nguyễn Thanh Liêm bị phạt 20 tháng cải tạo không giam giữ về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị phạt 23 năm tù cho cả hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản."

Bị cáo Phan Đình Đức được Tòa phúc thẩm thay đổi tội danh sang tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và chịu mức án cảnh cáo. Trước đó, bị cáo Phan Đình Đức bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."

Bị cáo Đức cũng được Tòa phúc thẩm tuyên không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Ngoài án phạt tù, Tòa phúc thẩm còn tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỷ đồng. Ba bị cáo gồm: Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm mỗi bị cáo phải bồi thường 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tòa phúc thẩm buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh nộp số tiền 20 tỷ đồng chiếm đoạt là khoản tiền Nguyễn Xuân Sơn đã tham ô tài sản chiếm đoạt để trả cho PVN.

[Vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào OceanBank: Các bị cáo nói lời sau cùng]

Ký kết, ban hành các văn bản về việc góp vốn trái thẩm quyền, vi phạm quy định

Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định hành vi ký và ban hành các thỏa thuận, nghị quyết, quyết định về việc góp vốn của PVN vào OceanBank của các bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm là trái thẩm quyền, vi phạm trình tự, thủ tục của nhà nước quy định về quản lý kinh tế.

"Xét về ý thức chủ quan của các bị cáo khi thực hiện hành vi trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định các bị cáo buộc phải biết việc làm của mình là sai phạm. Có căn cứ xác định khi thực hiện hành vi các bị cáo không lường trước và cũng không mong muốn có hậu quả xảy ra, nhưng rõ ràng việc các bị cáo biết sai phạm nhưng bàng quan về hậu quả chính là căn cứ xác định lỗi các bị cáo. Do vậy, việc các bị cáo và người bào chữa cho các bị cáo cho rằng không có lỗi khi thực hiện hành vi khách quan là không có cơ sở chấp nhận" - Bản án phúc thẩm nhận định.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố cấu thành tội phạm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định các bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm đã phạm tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" như Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là đúng người, đúng tội, không oan.

Tuy nhiên, cần có sự cá thể hóa trách nhiệm hình sự trên cơ sở tính chất hành vi phạm tội, hậu quả và vai trò của từng bị cáo. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt; nhân thân và hoàn cảnh gia đình của các bị cáo nên đã xử các bị cáo mức hình phạt tương xứng với tính chất, vai trò, hậu quả của hành vi phạm tội.

"Mặc dù tại cấp phúc thẩm, PVN và một số đoàn thể, gia đình có văn bản đề nghị giảm hình phạt và trách nhiệm dân sự cho các bị cáo, tuy nhiên với tính chất vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên Hội đồng xét xử không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo trên" - bản án phúc thẩm kết luận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục