Cơ quan thăm dò vũ trụ Nhật Bản (JAXA) ngày 15/1 đã phải bấm nút hủy vụ phóng tên lửa nhỏ nhất thế giới có thể mang vệ tinh sau khi phát hiện trục trặc trong hệ thống truyền dữ liệu.
Tên lửa số 4 thuộc dòng tên lửa SS-552 chở một vệ tinh nhỏ nặng khoảng 3kg, đã được phóng vào lúc 8 giờ 33 giờ địa phương (tức 10 giờ 33 giờ Hà Nội) ngày 15/1 từ Trung tâm vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản.
Tuy nhiên, chỉ 3 phút sau đó, JAXA đã phải ra lệnh hủy kích hoạt tầng thứ hai của tên lửa sau khi phát hiện có sự cố kỹ thuật ở hệ thống truyền dữ liệu.
Với chiều dài 10m và rộng 50cm, tên lửa 3 tầng này có kích cỡ chỉ bằng 1/5 tên lửa đẩy H-2A, được thiết kế có thể đưa vệ tinh nặng tối đa 4kg lên quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất tới 2.000km.
Lần này, tên lửa siêu nhỏ này mang theo vệ tinh TRICOM1, nặng 3kg, do Đại học Tokyo sáng chế, được lập trình di chuyển trong quỹ đạo hình êlíp quanh Trái Đất nhằm thu thập hình ảnh bề mặt Trái Đất và chuyển dữ liệu về trong khoảng một tháng trước khi rơi vào tầng khí quyển.
Nhật Bản phát triển loại tên lửa nhỏ nhất thế giới này nhằm cung cấp một phương tiện đáng tin cậy về kỹ thuật để đưa các vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo - một phân khúc đang phát triển của thị trường kinh doanh vũ trụ trên thế giới.
Chi phí sản xuất và phóng tên lửa đẩy này ước tính là khoảng 500 triệu yen (khoảng 4,3 triệu USD).
Hiện JAXA chưa có kế hoạch phóng một tên lửa khác cỡ này./.