Ngày 12/12, Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ phóng tên lửa, nâng cao danh tiếng cho nhà lãnh đạo trẻ của mình và gia tăng mối đe dọa mà quốc gia này đang gây ra cho các đối thủ. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản coi vụ phóng tên lửa mà theo như Triều Tiên cho biết được thiết kế nhằm đưa một vệ tinh thời tiết vào quỹ đạo là một vụ thử nghiệm công nghệ để đến một ngày nào đó sẽ được dùng để bắn đầu đạn hạt nhân nhằm vào những mục tiêu xa, xuyên lục địa, như Mỹ. Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đưa tin: "Vệ tinh đã được đưa vào quỹ đạo theo đúng kế hoạch." [Triều Tiên khẳng định vụ phóng rocket là 1 "đột phá"] Năm 2009, sau sự kiện mà Triều Tiên gọi là một vụ phóng thử nghiệm thành công tương tự, nước này đã nối tiếp bằng một vụ thử hạt nhân khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải xiết chặt thêm các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Bình Nhưỡng vào năm 2006 sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này. Sau khi diễn ra việc phóng tên lửa ngày 12/12, tên lửa đã hạ xuống biển ngoài khơi Philippines theo đúng kế hoạch. Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc đã kêu gọi họp Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng việc tiếp tục gia tăng các lnh trừng phạt cứng rắn không chắc sẽ được thông qua bởi Trung Quốc, đồng minh chính duy nhất của Triều Tiên, sẽ phản đối. Theo các quan chức quốc phòng Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa được phóng trước 10 giờ sáng giờ địa phương và đã không bị thất bại như vụ phóng tên lửa hồi tháng Tư vừa qua, khi tên lửa chỉ bay chưa được đầy 2 phút. Hiện chưa có thông tin nào khác khẳng định nó đã đưa được vệ tinh vào quỹ đạo. Shinzo Abe - người được cho là sẽ lên làm Thủ tướng mới của Nhật Bản và hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trước ngày bầu cử 16/12 tới đây - đã kêu gọi Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết "chỉ trích mạnh mẽ" Bình Nhưỡng. Hiện, Mỹ - nước hỗ trợ quân sự quan trọng cho Hàn Quốc, và Trung Quốc chưa có phản ứng chính thức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Cùng ngày, Tân Hoa xã - cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, tuyên bố Triều Tiên có "quyền tiến hành thăm dò một cách hòa bình khoảng không gian ngoài quỹ đạo." Tuy nhiên, Tân Hoa xã nói thêm rằng: "Bình Nhưỡng nên tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc có liên quan tới vấn đề này như Nghị quyết 1.874, theo đó yêu cầu (Triều Tiên) không tiến hành 'bất kỳ vụ phóng thử nào có dùng công nghệ tên lửa đạn đạo' và kêu gọi (Triều Tiên) 'hoãn mọi hoạt động có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của nước này." Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ileane Ros-Lehtinen đã nhanh chóng lên án vụ phóng thử và kêu gọi trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn. Bà nói: "Rõ ràng, Bình Nhưỡng đang tiến gần hơn tới mục tiêu cuối cùng của mình là chế tạo một tên lửa đạn đạo hạt nhân nhằm đe dọa không chỉ các nước đồng minh của Mỹ, mà còn đe dọa cả chính Mỹ nữa." Tuần trước, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc cho rằng khó có thể xảy ra việc một loạt các lệnh trừng phạt có ý nghĩa nhằm vào Triều Tiên được nhất trí tại Liên hợp quốc, nhưng Seoul sẽ hy vọng rằng các nước đồng minh của mình sẽ đơn phương siết chặt trừng phạt chống Triều Tiên. Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha mình là nhà lãnh đạo Kim Jong-Il mất ngày 17/12/2011. Theo các chuyên gia, vụ phóng tên lửa ngày 12/12 của Bình Nhưỡng là nhằm tưởng nhớ một năm ngày mất của Kim Jong-Il. Hồi tháng tư năm nay, Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng thử để kỷ niệm ngày sinh của Kim Nhật Thành, nhà sáng lập Triều Tiên và là ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Cho Min, chuyên gia thuộc Viện Thống nhất quốc gia tại Hàn Quốc nhận định: "Đây là một cú hích đáng kể trong việc củng cố ách cai trị của Kim Jong-un." Hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên - đất nước mà theo dự đoán của Liên hợp quốc là có tới 1/3 dân số bị thiếu ăn - đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc mở cửa nền kinh tế trong năm qua. Triều Tiên vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc và tiền gửi về của hàng chục nghìn người Triều Tiên lao động ở nước ngoài. Trong bối cảnh quy mô kinh tế èo uột với thu nhập mỗi đầu người chỉ đạt chưa tới 2.000 USD/năm, một trong những cách hiếm hoi để Triều Tiên có thể thu hút sự chú ý của thế giới là chú trọng vào mối đe dọa về quân sự. Bình Nhưỡng muốn Mỹ nối lại viện trợ và công nhận nước này về mặt ngoại giao, mặc dù vụ phóng thử tên lửa hồi tháng Tư vừa qua đã khiến Mỹ hủy bỏ một thỏa thuận viện trợ lương thực cho nước này.
Phát thanh viên truyền hình Triều Tiên mặc quốc phục thông báo về vụ phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh (Nguồn: AFP)
Theo các chuyên gia về hạt nhân, Triều Tiên được cho là đã tiến xa trong việc phát triển một đầu đạn hạt nhân và có lượng plutoni đủ để chế tạo sáu quả bom hạt nhân. Ngoài ra, nhờ giàu trữ lượng urani tự nhiên, Triều Tiên cũng đang làm giàu urani, mở ra con đường thứ hai để nước này chế tạo vũ khí hạt nhân. Mặc dù Bình Nhưỡng thường tuyên bố rằng phát triển hạt nhân là nằm trong chương trình hạt nhân phục vụ dân sự, nhưng nước này hay khoe rằng mình là "một cường quốc vũ khí hạt nhân"./.
(Vietnam+)