Ngày 24/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố bị can trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến các ngân hàng gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo hồ sơ vụ án, tháng 9/2012, khi thực hiện phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (Trustbank - tháng 5/2013 được đổi tên thành Ngân hàng VNCB), ông Danh đã lợi dụng nắm quyền chi phối, lúc này với vị trí là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB đã tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.
Trước đó, bị can Phạm Công Danh và 14 bị can khác đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử và tuyên án trong vụ án thứ nhất về hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.
Quá trình điều tra cho thấy Phạm Công Danh còn có nhiều hành vi sai phạm liên quan đến một số ngân hàng khác, nên vào ngày 11/3/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định tách vụ án hình sự với nội dung liên quan đến 3 ngân hàng là Sacombank, TPBank và BIDV thành giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.
Đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn thành và tống đạt cáo trạng truy tố giai đoạn 2 vụ án, truy tố thêm nhiều bị can khác, trong đó có nhiều bị can là nhân viên ngân hàng Sacombank, BIDV; người đại diện pháp nhân của các công ty do Danh lập ra và dùng hồ sơ của các công ty này đi vay vốn cho Danh sử dụng mục đích riêng...
Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Thiên Thanh do cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay được trực tiếp tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), nơi mình đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nên Danh đã chỉ đạo, lãnh đạo nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, BIDV.
[Vụ án Ngân hàng Xây dựng: Đề nghị truy tố bổ sung bị can Trầm Bê]
Đồng thời, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB sang gửi thị trường 2 tại 3 ngân hàng này và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó, để Danh sử dụng.
Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Trong đó, đối với bị can Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB) đã có các hành vi tiếp nhận chủ trương và sự chỉ đạo của Phạm Công Danh; trực tiếp chỉ đạo nhân viên ngân hàng VNCB tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp để có được tiền cho Phạm Công Danh sử dụng; trực tiếp tham gia họp bàn, thống nhất ký biên bản họp Hội đồng quản trị đề ra chủ trương cấp tín dụng cho Phạm Công Danh thông qua các công ty của mình vay tiền bằng các hồ sơ trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bị can Mai còn trực tiếp ký vào các giấy tờ quan trọng, giúp sức tích cực cho Danh gây ra thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.
Đối với bị can Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank), là người đã giới thiệu Danh với Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank; cùng Khang chỉ đạo các nhân viên ngân hàng Sacombank làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ lập khống. Khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng./.