Vụ phá rừng phòng hộ ở Lâm Đồng: Nhiều dự án để xảy ra mất rừng

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hầu hết các dự án có liên quan đến rừng và đất rừng huyện Lạc Dương đều để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất, phát sinh tranh chấp đất kéo dài với người dân.
Cây rừng phòng hộ nằm giáp ranh giữa hai xã Đạ Sar và Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, bị đốn hạ. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 10/11, ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin báo chí nêu về vụ phá rừng tại xã Đạ Sar, chiều 9/11, ông cùng cán bộ của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã đến hiện trường để xác minh, bước đầu đã có báo cáo nhanh cho cơ quan chức năng.

Theo báo cáo nhanh số 207/BC- Kl ngày 10/11/2020 của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương về vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 132, nằm trên địa bàn xã Đạ Sar, có 6 vị trí bị các đối tượng tác động.

Các diện tích rừng bị phá thuộc lâm phần hai đơn vị quản lý bảo vệ là Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng.

Tổng diện tích vụ phá rừng nghiêm trọng này là hơn 6.760m2 làm thiệt hại gần 100 cây thông ba lá, rừng phòng hộ tự nhiên.

Cụ thể, tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim quản lý có khoảng 1.200m2 với 38 cây thông ba lá bị cưa hạ, khối lượng hơn 67m3 gỗ.

Ngoài ra, tại diện tích rừng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý đã có trên 5.560m2 đất rừng bị phá trái phép, 57 cây bị cắt hạ.

Ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết thêm, hiện tại, do ảnh hưởng của mưa bão nên công tác xác minh hiện trường chưa hoàn thành, đây sẽ là cơ sở để xác định việc khởi tố vụ án.

Trước đó, ngày 9/11, TTXVN đã phản ánh vụ việc hơn 100 cây thông cổ thụ bị đốn hạ, đường kính gốc từ 50-80cm, dài khoảng 20 mét.

[Rừng phòng hộ ven biển bị phá do chính đơn vị thi công đê bảo vệ biển]

Ngoài ra còn có rất nhiều lóng gỗ thông bị đốt cháy nham nhở để phi tang. Bên cạnh khu vực rừng bị phá, các đối tượng còn lấn chiếm đất rừng phòng hộ để dựng 2 căn nhà gỗ.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định.

Trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện có hàng chục doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án với diện tích hơn 4.000ha; trong đó có 14 dự án nông lâm kết hợp, 9 dự án du lịch sinh thái, 7 dự án trồng rừng kinh tế và các dự án nuôi cá nước lạnh...

Hầu hết các doanh nghiệp được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư có liên quan đến rừng và đất rừng tại huyện Lạc Dương đều chậm tiến độ thực hiện dự án hoặc phải xin gia hạn quá nhiều lần.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hầu hết các dự án có liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn đều để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất, phát sinh tranh chấp đất kéo dài với người dân.

Ngoài việc chậm tiến độ, nhiều doanh nghiệp từ khi được giao dự án tới nay không triển khai thực hiện theo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư, không có biện pháp bảo vệ rừng thậm chí triển khai trồng cây thì bị chết hàng loạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục