Chuẩn mực của "lá cải"

Vụ NoW: Báo “lá cải” cũng cần phải có chuẩn mực!

Thách thức lớn nhất với các tờ báo khổ nhỏ là cân bằng giữa các cuộc điều tra nghiêm túc và những tin tức lộ hàng.

Ngày 10/7, News of the World (NoW) đã ra số cuối cùng đúng như lời hứa trước đó, nhưng điều đó không có nghĩa là thời của những tờ báo khổ nhỏ (tabloid) chuyên đưa tin giật gân ra mỗi ngày Chủ nhật đã kết thúc. Vietnam+ xin giới thiệu bài viết của tờ báo uy tín và nghiêm túc hàng đầu nước Anh, The Guardian, về một trong những chủ để gây tranh cãi nhất của báo chí nước Anh nói riêng và thế giới nói chung.

Báo khổ nhỏ ở Anh có truyền thống rất lâu đời, tận từ thế kỷ 19 và đạt tới đỉnh cao vào những năm 1950. Mặc dù thường đưa các tin tức giật gân câu khách, nghiệp vụ làm báo của phóng viên những tờ báo đó không hề kém. Họ đã không ít lần là người đầu tiên nêu ra các câu chuyện chấn động.

Một ví dụ rõ ràng là loạt bài điều tra về vụ bê bối cá cược của đội tuyển cricket quốc gia Pakistan, giúp NoW nhận giải phóng sự điều tra trong năm của báo chí Anh 2010.

David Wooding, biên tập viên của NoW, là một trong những người bảo vệ tờ báo nhiệt thành nhất. Giống như nhiều người đã lên tiếng bày tỏ sự thông cảm với tờ báo mấy ngày qua, Wooding nhìn xa hơn những câu chuyện lộ hàng, da thịt phụ nữ và tin đồn về các ngôi sao, để chỉ ra những sáng kiến báo chí đích thực xuất phát từ báo khổ nhỏ.

Lời biện hộ nổi tiếng nhất cho các tin tức câu khách có lẽ là tuyên bố của biên tập viên tờ Daily Mirror, Sylvester Bolam, hồi năm 1949. “Làm báo câu khách không phải là xuyên tạc sự thật,” Bolam viết. “Đó là việc trình bày các sự kiện một cách sống động và kịch tính để tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ lên người đọc. Đó là những dòng tít lớn, lối viết sinh động, đơn giản và quen thuộc với đời sống thường nhật”.

Vào lúc Bolam công bố công thức báo khổ nhỏ đó, The People đang là tờ báo giật gân thống trị ở Anh, cũng là tờ báo mở đầu cho trào lưu báo chí điều tra và những chiến dịch dài hơi, được các đối thủ khác học tập nhanh chóng. Một phóng viên của Sunday People khi đó, Duncan Webb, lập dị và đầy nhiệt huyết, được tạp chí Time nổi tiếng đạo mạo và nghiêm túc của Mỹ gọi là “phóng viên điều tra tội ác vĩ đại nhất thời chúng ta” vào năm 1955, sau khi Webb bóc trần đường dây mại dâm cao cấp hoạt động ngay tại quảng trường Soho, London.

Cuối những năm 1950, số phát hành của Sunday People, với khẩu hiệu “Trung thực, không sợ hãi và tự do” đã vượt con số 5 triệu. Đối thủ chính của họ, NoW, với khẩu hiệu “Tất cả những gì về cuộc sống con người” thì đang lâm nguy. Cuộc chạy đua phóng sự điều tra là vô cùng khốc liệt. Sau thời của Webb, đến lượt một bậc thầy khác của những cuộc điều tra giật gân, Laurie Manifold, người được coi là cha đẻ của báo chí về tội ác và những vụ bê bối.

Manifold là người đã hướng dẫn rất nhiều nhà báo nổi tiếng sau này làm việc ở NoW, Trevor Kempson, Mike Gabbert và Mazher Mahmood (người vào vai hoàng thân A-rập giả dạng trong vụ lừa nổi tiếng với cựu huấn luyện viên đội tuyển Anh Sven Goran-Eriksson). Manifold là người đầu tiên nghĩ ra và dám làm những vụ lập công ty ma, hoặc nhân vật ma, ghi âm bí mật và nhiều trò bịp bợm khác. Nhưng ông cũng yêu cầu các phóng viên tuân thủ pháp luật, không được đi đường tắt và sự trung thực tuyệt đối.

Với những nguyên tắc đó, Manifold đạt được hàng loạt thành công vang dội. Năm 1964, báo People tiết lộ một vụ bê bối cá cược bóng đá lớn kết thúc với việc một số cầu thủ phải vào tù. Nhưng đáng kể nhất có lẽ là vụ điều tra tham nhũng rộng khắp trong Sở cảnh sát trung tâm London dẫn tới việc 13 sĩ quan bị truy tố và 90 cảnh sát khác bị sa thải hoặc cho về hưu sớm.

Trong một cuộc điều tra khác của Manifold năm 1975, ông đã đưa ra ánh sáng một phòng thí nghiệm động vật tàn bạo giết chết những con chó bằng máy móc và hơi ngạt.

Tuy nhiên, People sau đó chuyển từ khuynh hướng điều tra sang chuyện tình dục và ngôi sao, khiến số phát hành của họ giảm nhanh chóng. Những kỹ năng và quan điểm của Manifold được NoW tiếp thu. Bắt đầu từ vụ điều tra bê bối khiến Bộ trưởng chiến tranh John Profumo phải từ chức năm 1963, NoW bắt đầu sử dụng các nhân vật giả danh một cách thường xuyên.

Trong những ngày tháng đó, thách thức lớn nhất với biên tập viên các tờ báo khổ nhỏ là cân bằng giữa các cuộc điều tra kỳ công nghiêm túc và những tin tức tình ái, lộ hàng cợt nhả, giữa mối bận tâm chính đáng của công chúng, và nhu cầu bán báo.

Khi tờ London Evening Standard đưa tin về việc NoW đóng cửa tuần trước, bức ảnh minh họa câu chuyện là một bìa báo tháng tháng 11/1953 với dòng tít lớn “Năm tuần làm thay đổi Sudan.” Đó là gương mặt hết sức nghiêm túc thể hiện triết lý cân bằng của những tờ báo khổ nhỏ.

Cùng lúc, một biên tập viên của Daily Mirror đã quát vào mặt phóng viên ảnh của mình một câu nổi tiếng trong làng báo Anh: “Cậu có bộ ngực nào để đi chung với cuộc biểu tình của ngành đường sắt không?” Sự cân bằng là như vậy./.

 

Trang bìa của các tờ báo Anh ra ngày 10/7 đều đưa tin về sự kiện NoW đình bản.

Theo Wikipedia, thì báo chí khổ nhỏ (“Tabloid journalism”) thường hướng đến các chủ đề như tội phạm, mê tín dị đoan, chuyện đời tư của các ngôi sao, sử dụng văn phong đơn giản, đăng nhiều ảnh lớn.

Ở Anh, báo khổ nhỏ thường được in với khổ 430x280mm, đồng thời được chia ra hai loại là “red top” (măngsét in trên nền đỏ) và “compact” (gần giống với các báo khổ lớn, với đề tài mở rộng hơn, đôi khi cả chính trị, tài chính).

Các báo “red top” nổi tiếng nhất ở Anh gồm có The Sun, Daily Star, Daily Sport, Daily Mirror, còn các báo “compact” gồm The Independent, Daily Mail, Daily Express, The Times, The Morning Star, The Scotmans.
Hải Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục