Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut - 'đòn chí mạng' đối với Liban

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác nhưng vụ nổ đã làm trầm trọng thêm tình hình ở Liban, vốn đã bất ổn về chính trị và những khó khăn về kinh tế, dịch bệnh.
Các tòa nhà bị phá hủy sau vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, Liban, ngày 4/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sáng 5/8, một ngày sau vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut làm chấn động khắp thủ đô của Liban và toàn khu vực, nhiều người dân Beirut chưa hết bàng hoàng khi đứng trước cảnh tượng hoang tàn với những đống đổ nát, nhà cửa và phương tiện bị hư hỏng nặng nề do sức công phá của vụ nổ.

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và khoảng 4.000 người bị thương.

Một nhân chứng đề nghị giấu tên chia sẻ cô thực sự sốc khi nhìn thấy cột khói hình nấm khổng lồ bốc lên bầu trời Beirut sau tiếng nổ “long trời, lở đất” ở khu vực cảng gần nhà. Cô lao ra đường, không hiểu chuyện gì xảy ra.

Cô nghe thấy tiếng la hét của nhiều người và đập vào mắt là những người bị thương đứng, ngồi, nằm la liệt trên đường phố, có người cơ thể đầy vết thương, vừa chạy vừa kêu cứu.

Trung tâm y tế Clemenceau ở Beirut tiếp nhận số bệnh nhân bị thương lớn chưa từng có kể từ khi cơ sở này được thành lập. Từng đoàn xe cấp cứu rú còi inh ỏi, cấp tập đưa các bệnh nhân bị thương tới chữa trị.

Công dân Việt Nam Đặng Huyền Nga, người bị chấn thương gãy tay do vụ nổ, cũng được đưa tới cơ sở này và đang được điều trị, chăm sóc y tế.

Theo ông George Kettaneh, quan chức của tổ chức Chữ thập Đỏ Liban, con số thương vong có thể còn tiếp tục tăng thêm và hiện vẫn còn nhiều người chưa rõ tung tích, rất có thể đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở những tòa nhà bị đổ sập do vụ nổ.

Có nhiều nghi vấn cũng như giả thuyết về nguyên nhân vụ nổ. Một chi tiết đáng chú ý là khoảng 2.750 tấn amoni nitrat được cất giữ trong nhà kho tại cảng Beirut từ năm 2014.

[Video cận cảnh vụ nổ khiến hàng nghìn người thương vong ở Liban]

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Liban, ông Badri Daher, cơ quan tư pháp Liban đã từng 6 lần nhận được tin báo rằng chất amoni nitrat được cất giữ trong nhà kho ở cảng Beirut rất nguy hiểm và cơ quan hải quan đã đề nghị phải tái xuất.

Điều tra ban đầu cho thấy có thể có pháo hoa được cất giữ gần khu vực chứa amoni nitrat và cơ quan quản lý cảng Beirut chịu trách nhiệm về việc cất giữ những mặt hàng này.

Amoni nitrat được biết đến là một loại chất kết tinh không mùi, thường được sử dụng làm phân bón hay chất nổ, đang được cho là nguyên nhân gây ra vụ nổ lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua ở Liban cũng như cả khu vực Trung Đông.

Theo kênh truyền hình OTV của Liban, 5 tháng trước, cơ quan an ninh quốc gia Liban đã tiến hành điều tra liên quan việc phát hiện một lượng lớn amoni nitrate tại cảng Beirut, và có vẻ như vụ việc chưa được xử lý triệt để.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra vụ nổ khi quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành, và cũng không có bằng chứng nào cho thấy vụ nổ này là một vụ tấn công, vì thế, cần thêm thời gian để chờ kết quả điều tra của các cơ quan chức năng.

Dù xuất phát từ nguyên nhân gì, vụ việc cũng là thảm họa chưa từng xảy ra từ trước đến nay đối với thủ đô Beirut và đất nước Liban.

Vụ việc như một “đòn chí mạng” đối với quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh Liban đang gồng mình chống đỡ với đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.

Vụ nổ đã làm trầm trọng thêm tình hình ở Liban, vốn đã bất ổn về chính trị và những khó khăn về kinh tế, dịch bệnh.

Máy bay nỗ lực dập lửa bốc ngùn ngụt tại hiện trường vụ nổ lớn ở khu cảng thủ đô Beirut, Liban ngày 4/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban cao thứ ba  thế giới, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 25% và 1/3 dân số đang sống dưới mức nghèo khổ, trong khi giá cả leo thang “chóng mặt” với nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu tăng tới 80-90%, trong khi nhiều loại thực phẩm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, cộng thêm tình trạng cắt điện thường xuyên, thiếu nước sinh hoạt an toàn, hạn chế về chăm sóc y tế và kết nối Internet luôn gặp sự cố.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến tình hình quốc gia Trung Đông này càng trở nên khó khăn. Để đối phó với dịch bệnh, Chính phủ Liban đã buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa từ giữa tháng Ba để hạn chế sự lây lan.

Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ lắng xuống, nhưng khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng hơn và bộc lộ những bất cập trong hệ thống phúc lợi xã hội.

Bất ổn kinh tế-xã hội cùng với những vấn đề tồn tại trong hệ thống chính trị đã khiến cuộc khủng hoảng ở Liban lâm vào bế tắc.

Giới chính trị gia nước này thường khó đạt được đồng thuận khi những lợi ích và toan tính mang màu sắc phe phái lấn át.

Liban hiện có ba chức danh lãnh đạo chính là Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, được phân chia đều cho 3 cộng đồng lớn nhất là Công giáo Maronite, người Hồi giáo dòng Shi’ite, người Hồi giáo dòng Sunni, dựa trên thỏa thuận từ năm 1943.

Chính sự phân chia quyền lực giữa các phe phái này khiến mọi việc trở nên phức tạp và khó khăn hơn mỗi khi chính phủ cần đưa ra những quyết sách liên quan các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Ngay sau khi thảm hỏa trên xảy ra, Thủ tướng Hassan Diab đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đồng minh, giúp đỡ Liban khắc phục hậu quả của vụ nổ./.

Hai vụ nổ lớn đã liên tiếp xảy ra ở thủ đô Beirut khiến ít nhất 73 người thiệt mạng và 3.700 người bị thương.
Vụ nổ xuất phát từ một nhà kho chứa 2.700 tấn ammonium nitrate ở khu vực cảng của thành phố.
Vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut, gây ra thiệt hại khủng khiếp tại một khu vực rộng lớn.
Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Thủ tướng Liban Hassan Diab tuyên bố rằng những ai chịu trách nhiệm để xảy ra vụ nổ.
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chia buồn và ngỏ ý muốn giúp đỡ người dân Liban.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đây là "một vụ tấn công khủng khiếp."
Liban đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 2 tuần tại thủ đô...
...cũng như chuyển giao trách nhiệm về an ninh cho giới chức quân đội.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục