Nguồn tin tòa án Liban cho biết Thẩm phán Fadi Sawan, người đứng đầu cuộc điều tra vụ nổ tại cảng Beirut, đã phát lệnh bắt giữ 2 người trong ngày 21/8 liên quan vụ việc này.
Theo hãng thông tấn quốc gia Liban, 2 đối tượng bị bắt giữ gồm Giám đốc Hải quan Beirut Hanna Fares và Nayla al-Hajj - kỹ sư phụ trách công tác bảo quản tại nhà kho 12, nơi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8.
Liban đã mở cuộc điều tra về thảm họa đã khiến ít nhất 181 người thiệt mạng và hơn 6.500 người bị thương, theo đó nguyên nhân ban đầu được cho là do sự bất cẩn của giới chức quản lý nhà kho và tình trạng tham nhũng.
Đến nay, Liban đã ra lệnh bắt giữ 6 người trong số 25 người đang bị cáo buộc liên quan tới vụ nổ trên, trong đó có Tổng Giám đốc cảng Beirut Hassan Koraytem và Tổng Giám đốc Hải quan Badri Daher.
Nhà chức trách Liban đã bác bỏ đề nghị tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ trên, nhưng cuộc điều tra của nước này có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, trong đó có Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
[Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut: Liban ra lệnh bắt Tổng giám đốc Hải quan]
Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 tại một nhà kho ở cảng Beirut tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5, đã khiến ít nhất 181 người thiệt mạng, hơn 6.500 người bị thương, và hiện còn khoảng hàng chục người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa.
Nhà chức trách Liban ước tính thiệt hại lên tới 15 tỷ USD. Để hỗ trợ các gia đình người Liban bị ảnh hưởng từ vụ nổ, các cơ quan thuộc Liên hợp quốc đang phân phát bột mì, đồ bảo hộ y tế và các lều, trại tạm, trong khi lực lượng gìn giữ hòa bình đang tăng cường hiến máu để hỗ trợ nỗ lực khắc phục hậu quả vụ nổ.
Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, chuyến hàng 12.500 tấn bột mì đầu tiên của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã đến Liban nhằm giúp bình ổn giá và nguồn cung bánh bì ở Liban.
WFP đã phân phát lương thực-thực phẩm cho khoảng 3.600 người và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã trao hơn 2.500 lều, trại tạm cho những người đang chịu tác động nặng nề của vụ nổ.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã phân phát 25 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân cho 25 bệnh viện tiếp nhận cả những ca chấn thương do vụ nổ và các ca mắc bệnh COVID-19 tại Beirut cũng như các khu vực lân cận.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các đối tác đã huy động hơn 1.100 thanh niên, trong đó có người tình nguyện Palestine, đến dọn dẹp và khôi phục các ngôi nhà bị hư hại trong vụ nổ.
Khoảng 100 người trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thuộc phái bộ Liên hợp quốc tại miền Nam Liban đã hiến máu để giúp cứu sống các nạn nhân. Sáng kiến này được phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Liban nhằm đáp ứng nguồn cung cấp máu bị thiếu hụt.
Trước đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gửi hàng cứu trợ đến Liban để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vụ nổ ở cảng Beirut./.