Vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc: Việc rò rỉ methane gây tác động thế nào?

Vụ nổ Dòng chảy phương Bắc ước tính đã giải phóng khoảng 465.000 tấn khí methane vào khí quyển, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu chỉ rơi vào khoảng 70.000-300.000 tấn.

Hiện trường rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic thuộc hải phận Thụy Điển. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hiện trường rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic thuộc hải phận Thụy Điển. (Ảnh: THX/TTXVN)

Năm 2022, một loạt vụ nổ dưới nước đã làm vỡ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc ở ngoài khơi biển Baltic, gây ra vụ rò rỉ khí methane lớn nhất được ghi nhận từ một sự cố.

Methane là một loại khí nhà kính mạnh có hiệu quả giữ nhiệt trong thời gian ngắn, gấp nhiều lần so với carbon dioxide (CO2). Giảm lượng khí thải methane là mục tiêu chính của các quốc gia muốn cắt giảm khí thải nhanh chóng và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.

Theo 3 nghiên cứu mới được công bố gần đây, vụ nổ Dòng chảy phương Bắc ước tính đã giải phóng khoảng 465.000 tấn khí methane vào khí quyển, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu chỉ rơi vào khoảng 70.000-300.000 tấn.

Các nhà nghiên cứu cho biết tác động tiềm tàng của vụ việc đối với môi trường và khí hậu vẫn chưa thể xác định rõ ràng. Sử dụng dữ liệu vệ tinh, quan sát biển và phép đo khí quyển, các nghiên cứu đã kết luận vụ rò rỉ có quy mô lớn vượt xa bất kỳ sự kiện tương tự nào trước đây, tương đương với khoảng 30% lượng khí methane phát thải hàng năm của Đức.

Sau khi sự cố xảy ra, 14% khu vực biển được bảo vệ của Biển Baltic có nồng độ khí methane cao gấp 5 lần so với mức trung bình.

Khí methane được thải ra từ cả các nguồn tự nhiên như đất ngập nước, sông ngòi và gia súc, cũng như các hoạt động của con người, đặc biệt là các dự án dầu khí.

Ông Manfredi Caltagirone, người đứng đầu Đài quan sát phát thải methane quốc tế (IMEO) của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đã nhấn mạnh những lợi ích khí hậu của việc giảm phát thải khí methane trong ngành dầu khí.

Việc sửa chữa các đường ống bị rò rỉ và các cơ sở hạ tầng dầu khí được coi là một cách đặc biệt hiệu quả về mặt chi phí để nhanh chóng làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Bất chấp những nỗ lực quốc tế nhằm giảm lượng khí thải methane, nồng độ khí này vẫn tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo rằng lượng methane bị rò rỉ từ vụ nổ Dòng chảy phương Bắc bằng với lượng khí thải hằng ngày từ các hoạt động khai thác dầu khí thông thường trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục