Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại: Chiến lược của Saudi Arabia là gì?

Chiến lược của Saudi Arabia nhằm đối phó với những phản ứng dữ dội xung quanh vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại là hoàn toàn rõ ràng: ngồi sụp xuống tránh cho cơn bão qua đi.
Vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại: Chiến lược của Saudi Arabia là gì? ảnh 1Nhà báo Jamal Khashoggi. (Nguồn: Sky News)

Dưới đây là bài viết "Sự thật khó chịu về Saudi Arabia" của tác giả Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), được đăng tải trên Project Syndicate.

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus.

Bộ phim tài liệu nhan đề "Một sự thật khó chịu" ra mắt năm 2006 đã nêu bật những nỗ lực của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore trong việc cảnh báo người dân Mỹ về những hiểm họa của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Cái đã làm cho sự thật này trở thành điều khó chịu là để tránh tình trạng biến đổi khí hậu thảm họa này, đòi hỏi mọi người phải thay đổi cách sống và trong một số trường hợp, phải từ bỏ những thứ mà họ yêu thích (như ôtô sử dụng khí gas chẳng hạn).

Trong gần 2 tháng qua, tất cả chúng ta đã sống cùng với một sự thật gây khó chịu khác - kể từ thời điểm ông Jamal Khashoggi, nhà báo Saudi Arabia làm việc cho báo The Washington Post và sinh sống tại Mỹ, biến mất sau khi đi vào khuôn viên Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều làm cho sự thật trở nên khó chịu là do tầm quan trọng chiến lược của Saudi Arabia. Vương quốc này hiện vẫn chiếm trên 10% sản lượng dầu toàn cầu. Quỹ đầu tư quốc gia của nước này hiện sở hữu một khoản vốn ước tính 500 tỷ USD.

Saudi Arabia là quốc gia Arab thuộc dòng Sunni có ảnh hưởng nhất, có vai trò đặc biệt trong thế giới Hồi giáo. Nước này giữ vai trò chủ chốt trong bất kỳ chính sách nào mang tính chất đối đầu với Iran.

Ngoài ra, Thái tử Mohammed bin Salman (được biết rộng rãi với biệt danh MbS) là người theo đường lối cải cách, hiểu được rằng đất nước của ông phải mở cửa và đa dạng hóa nếu muốn trở nên thịnh vượng. Ông này rất được lòng dân trong nước, đặc biệt với giới trẻ, hiện là thành phần dân số chủ chốt của quốc gia này.

Chiến lược của Saudi Arabia nhằm đối phó với những phản ứng dữ dội xung quanh vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại là hoàn toàn rõ ràng: ngồi sụp xuống tránh cho cơn bão qua đi. MbS và giới thân cận với ông này tính toán rằng cơn giận của thế giới sẽ nhạt dần, do tầm quan trọng của đất nước Saudi của họ. Ông có lý do để tin rằng các quốc gia Arab khác thuộc dòng Sunni sẽ đứng bên cạnh ông, do những khoản trợ cấp mà ông cung cấp.

Israel cũng đã bày tỏ sự hậu thuẫn đối với MbS, nhờ vào việc ông này sẵn sàng đi theo chiều hướng bình thường hóa quan hệ và điều quan trọng hơn, việc hai nước có chung lợi ích trong việc chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Còn chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn bác bỏ những lời kêu gọi áp đặt trừng phạt đối với Saudi Arabia.

[Saudi Arabia đã sẵn sàng cho mối quan hệ căng thẳng với Mỹ?]

Như vậy nên làm gì bây giờ? Cựu Ngoại trưởng Mỹ James A. Baker mới đây đã so sánh điều này với chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vào năm 1989, thời điểm diễn ra vụ việc ở Thiên An Môn. Chính quyền George H. W. Bush đã nỗ lực giải quyết bằng một hành động đi trên dây: áp dụng các biện pháp trừng phạt để chuyển thông điệp không hài lòng đến Chính phủ Trung Quốc, nhưng lại hạn chế việc trừng phạt và vẫn duy trì các kênh liên lạc, do tầm quan trọng của Trung Quốc.

Liệu một chính sách tương tự như vậy đối với Saudi Arabia có khả dĩ không?

Một cách lý tưởng, Chính phủ Mỹ và các chính phủ châu Âu nên tuyên bố công khai rằng họ sẽ tiếp tục để ngỏ cơ hội làm việc với Saudi Arabia nếu quyền lực của Thái tử được hạn chế bớt. Cũng nên có những hạn chế đối với việc Mỹ bán vũ khí và hỗ trợ tình báo là điều mà Quốc hội Mỹ, có khả năng sẽ áp đặt.

Nhưng điều quan trọng hơn bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nên là gia tăng sức ép của công luận đối với MbS liên quan đến những gì cần phải làm và những gì cần phải tránh. Điều cần phải làm ở đây là một nỗ lực phối hợp nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Yemen. Điều cần phải tránh là việc lợi dụng thái độ thù địch đối với Iran của chính quyền Trump nhằm kích động một cuộc đối đầu vũ trang.

Một cuộc chiến tranh với Iran sẽ hết sức tốn kém và nguy hiểm. Phải làm cho MbS hiểu được rằng Mỹ sẽ là một đồng minh chiến lược của Saudi Arabia chỉ khi ông này hành động một cách kiềm chế hơn ở Yemen cũng như ở những nơi khác, cùng với việc phải tôn trọng hơn những lợi ích của Mỹ.

Ngoài ra, nên có các cuộc tham khảo với Trung Quốc và Nga. Không giống như Mỹ, hai quốc gia này vẫn đang duy các quan hệ bình thường với Saudi Arabia và Iran, đem lại cho hai nước này một thế mạnh trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh như vậy cũng như trong việc nhanh chóng dập tắt chiến tranh nếu như nó xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục