Thông tin từ Phòng Y tế thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này đã xác minh được cơ sở sản xuất chả lụa gây ngộ độc Botulinum cho nhiều người.
Đây là một cơ sở trên địa bàn thành phố Thủ Đức, mới hoạt động được gần 2 tháng và không có giấy phép.
Bác sỹ Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng Phòng Y tế thành phố Thủ Đức, cho biết sau khi xảy ra vụ việc nhiều người trên địa bàn thành phố Thủ Đức bị ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa của một người bán dạo, đơn vị này đã tiến hành điều tra và xác minh được cơ sở sản xuất giò lụa gây ngộ độc. Đó là một cơ sở sản xuất trên địa bàn phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức.
Khi kiểm tra, cơ sở này không có biển hiệu, không có giấy phép và mới hoạt động gần 2 tháng.
Ngay lập tức, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đã yêu cầu cơ sở này dừng hoạt động, đồng thời lấy mẫu chả lụa đưa đi xét nghiệm. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Bên cạnh đó, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức cũng đã tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt những cơ sở sản xuất chả lụa, bún, phở... trên địa bàn.
Mặc dù vậy, công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn khi các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ không phép thường không có biểu hiệu, không đăng ký và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra.
[Lại xuất hiện thêm 3 ca ngộ độc Botulinum ở TP Hồ Chí Minh]
Trước đó, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xuất hiện các ca bệnh ngộ độc Botulinum khiến 6 người phải nhập viện điều trị.
Cụ thể, ngày 14/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 3 trẻ là 3 anh em ruột trong một gia đình với các triệu chứng nôn ói, chóng mặt, yếu cơ... sau 1 ngày ăn bánh mì chả lụa của người bán dạo.
Các bác sỹ thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc Botulinum và truyền thuốc giải độc BAT ngay. Đến nay, vẫn còn 2 trẻ phải thở máy.
Cùng thời điểm, 3 bệnh viện là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng tiếp nhận 3 trường hợp là người lớn với các triệu chứng tương tự. Trong số đó 2 người ăn chả lụa từ một người bán dạo, còn 1 người ăn mắm ủ lâu ngày.
Kết quả xét nghiệm PCR xác định mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của độc tố Botulinum. Tuy nhiên, hiện Thành phố Hồ Chí Minh không còn thuốc giải độc BAT./.